Trang trại của anh Tín cũng chính là vườn cà phê rộng hơn 3 ha của gia đình. Trên diện tích này, anh rào lưới xây dựng các chuồng nuôi độc lập với nhau và nuôi theo từng lứa gà. Các chuồng có khoảng không gian phù hợp để gà được thả ra môi trường tự nhiên mỗi ngày.
Anh Tín đang kiểm tra sức khỏe cho gà |
Cuộc sống nông thôn, ngày ngày tiếp xúc với gà nên anh Tín chọn nuôi gà để khởi nghiệp. Để chuẩn bị cho việc xây dựng mô hình, anh Tín đã tham gia và tốt nghiệp lớp trung cấp thú y chuyên trị bệnh cho gà. Năm 2011, anh bắt tay vào đầu tư vốn xây dựng trang trại nuôi 1.000 con gà thịt. Nhờ nắm chắc kỹ thuật nuôi và cách phòng dịch nên ngay năm đầu tiên nuôi, anh đã thành công.
Có vốn, anh mở rộng diện tích chuồng trại, tăng quy mô đàn gà. Cùng với nuôi gà thịt, anh nuôi gà đẻ trứng và xây thêm lò ấp trứng để kinh doanh gà giống. Với diện tích 3 ha, hiện nay, gia đình anh Tín đang nuôi hơn 7.000 con gà. Cứ hai tháng, anh xuất một lứa khoảng 2.000 con gà thịt ra thị trường và thu về khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn làm đầu mối cung cấp giống có nguồn gốc, chất lượng, sạch bệnh và an toàn cho người chăn nuôi trên địa bàn.
Anh Tín chia sẻ kinh nghiệm: “Nuôi gà thì việc phòng bệnh là chính. Bệnh của gà phòng theo từng giai đoạn phát triển. Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe của gà bằng cách xem lượng thức ăn trong ngày và phân gà thải ra môi trường”.
Thức ăn này chính tại trang trại gà của anh Tín là bắp được ủ với men sinh học để tạo ra các vi khuẩn có lợi cho gà. Theo tính toán của anh Tín, thức ăn này rẻ hơn nhiều so với dùng cám và gà được chăm sóc tốt hơn bằng các men có lợi. Bên cạnh đó, chuồng trại được sử dụng nệm lót sinh học để khử mùi, tiêu lượng phân tươi.
Anh Tín tâm sự: “Trước đây, khi nuôi bằng cách truyền thống thì gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp, nhất là mùi hôi thối từ chất thải không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con xung quanh. Nhưng khi thực hiện mô hình nuôi gà bằng chế phẩm sinh học thì tình trạng này được cải thiện đáng kể, đặc biệt là không thấy biểu hiện các bệnh về đường hô hấp, gà tăng trọng nhanh, độ đồng đều cao, vấn đề môi trường được giải quyết một cách cơ bản, không còn mùi hôi thối...”.
Việc ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học góp phần đáng kể hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi.
Không chỉ dừng lại ở xây dựng trang trại, anh Tín đang vận động, tập hợp những người chăn nuôi trên địa bàn thành nhóm hộ liên kết để chủ động hơn về con giống, thức ăn và đầu ra cho sản phẩm. Anh Tín và các hộ nuôi gà đang xây dựng vùng nguyên liệu hướng tới xây dựng thương hiệu “gà sạch Đắk Wer”, đáp ứng các tiêu chuẩn gà sạch để bán ra thị trường.
Bài, ảnh: Đức Hùng
Nguồn tin: Báo Đăk Nông