Theo đó, vừa qua, Dự án nâng công suất nhà máy đường của Công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Sở Tài nguyên-Môi trường cấp sổ chủ nguồn chất thải nguy hại. Trong quá trình hoạt động, Công ty cũng đã thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường, báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ.
Ngoài ra, nước thải sinh hoạt cũng được doanh nghiệp thu gom và hợp đồng với một đơn vị dịch vụ vận chuyển, xử lý. Nước thải làm mát hệ thống cũng đã được tuần hoàn sử dụng lại và một phần được xử lý, xả thải ra môi trường. Nước thải sản xuất cũng đã được xử lý qua hệ thống xử lý của Công ty Tâm Thắng và lưu giữ tại hồ chứa để chờ đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Tâm Thắng.
Chất thải sản xuất thông thường tại doanh nghiệp như tro lò đốt, tro mía, bã mía… cũng được thu gom và bán cho các đơn vị làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh. Những chất thải nguy hại phát sinh từ trước đến tháng 7/2013 được Công ty hợp đồng với Công ty Sản xuất thương mại dịch vụ Việt Xanh để xử lý theo quy định. Những khối lượng mới phát sinh đang được Công ty thu gom, phân loại và lưu giữ tạm thời trong kho chứa chất thải nguy hại…
Một phần nước thải làm mát hệ thống đã được Công ty cổ phần Mía đường Đắk Nông tuần hoàn sử dụng lại |
Tương tự, Công ty Cổ phần Chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh sau khi bị ngành chức năng nhắc nhở về một số tồn tại, đơn vị cũng đã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt và hợp đồng xử lý chặt chẽ. Trong đó, nước thải sinh hoạt được đơn vị xử lý qua hệ thống bể tự hoại.
Chất thải sản xuất thông thường như mùn cưa, dăm bào, gỗ vụn… cũng được Công ty thu gom làm nguyên liệu sản xuất chất đốt. Lượng nước ngâm tẩm gỗ cũng đã được Công ty bổ sung thêm nước và hóa chất để sử dụng lại và hầu như không thải ra môi trường. Công ty còn sử dụng hệ thống túi vải, Cyclon để hút bụi, lọc bụi trong nhà xưởng sản xuất. Những chất thải nguy hại cũng được thu gom và lưu giữ tạm thời trong kho với khối lượng khoảng 380kg…
Theo Sở Tài nguyên-Môi trường, hiện tại Khu công nghiệp (KCN) Tâm Thắng (Chư Jút) chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt và nước thải sinh hoạt. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt được Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tâm Thắng (Công ty Tâm Thắng) hợp đồng với Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Quyết Thắng thu gom, xử lý. Nước thải sinh hoạt được xử lý qua hệ thống bể tự hoại.
Đối với các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh trong KCN, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn thông thường phát sinh thì do các đơn vị tự xử lý hoặc hợp đồng với đơn vị khác thu gom, vì KCN không có hệ thống xử lý chất thải tập trung.
Về cơ bản, các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh tại đây đã có đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt cũng như bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận trước khi thực hiện đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị cũng đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và thực hiện tương đối đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, quan trắc, giám sát môi trường định kỳ…
Cũng theo Sở Tài nguyên-Môi trường thì hiện nay, do hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN chưa đưa vào vận hành nên nước thải sản xuất của các nhà đầu tư đang được các đơn vị xử lý sơ bộ rồi lưu giữ trong các hồ chứa hoặc xả thải ra môi trường.
Mặt khác, do hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Tâm Thắng được thiết kế ban đầu không tiếp nhận, xử lý nước thải sản xuất của Nhà máy Mía đường Đắk Nông và Nhà máy Sản xuất cồn Đại Việt. Do đó, khi hai doanh nghiệp này xin đấu nối hệ thống xử lý nước thải sản xuất, Công ty Tâm Thắng đã phải xin bổ sung thiết bị, công nghệ và được UBND tỉnh đồng ý.
Dự kiến, công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý III/2015. Hy vọng rằng, với những nỗ lực của các doanh nghiệp, công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất tại KCN Tâm Thắng được bảo đảm và ngày càng góp phần tạo nên môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp.
Bài, ảnh: Lê Dung
Nguồn tin: Báo Đăk Nông