Đây là cách làm được đánh giá cao và cũng là hướng làm giàu bền vững mà nhiều nông hộ tại địa phương hướng đến. Gia đình anh Đào Xuân Thời ở thôn 2, xã Nam Dong có hơn 2 ha hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh.
Anh Thời cho biết: “Đất đai của gia đình tôi trồng trọt đã nhiều năm nên rất nghèo chất dinh dưỡng mà cây tiêu thì đòi hỏi dinh dưỡng cao để sinh trưởng, phát triển. Do đó, nếu đẩy năng suất lên cao thì vườn cây sẽ không bền vững. Vì chỉ một hai năm sau là cây tiêu kiệt sức và bị dịch bệnh tấn công dẫn đến vườn sẽ chết dần”.
Theo anh Thời, lâu nay, việc trồng tiêu tự phát đã dẫn đến nhiều hệ lụy do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, khai thác nguồn nước ngầm quá mức, đất đai thoái hóa, sản phẩm làm ra không được sạch. Từ thực tế đó, anh đã chủ động lắp đặt một hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên 1 ha hồ tiêu. Sau khi đưa hệ thống tưới nước nhỏ giọt vào sử dụng, anh nhận thấy biện pháp tưới này tiện lợi về nhiều mặt.
Nếu trước đây 1 ha cần đến 4 – 5 công vừa tưới, vừa bón phân thì nay chỉ một mình anh là có thể đảm đương hết công việc ấy. Đồng thời, lượng nước tưới, phân bón cũng tiết giảm được khoảng 1/3 so với trước và có thể điều khiển tưới tự động nên rất thuận lợi.
Còn tại vườn tiêu trên 3 ha của gia đình anh Trần Văn Vịnh ở thôn 4, xã Nam Dong, có chu kỳ kinh doanh gần 8 năm, cũng áp dụng kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt và mang lại kết quả cao.
Nhiều hộ trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện đến tìm hiểu tính năng, hiệu quả hoạt động của hệ thống tưới nhỏ giọt của gia đình anh Trần Văn Vịnh ở thôn 4, xã Nam Dong (Chư Jút) |
Anh Vịnh cho hay: “Khi thực hiện tưới nước theo công thức, tức tỷ lệ nước, phân bón hòa chung cung cấp cho cây theo khối lượng và thời gian định sẵn, tôi cắt giảm hẳn bón phân hóa học, tăng phân chuồng ủ hoai. Chính vì thế, vườn hồ tiêu của tôi luôn xanh tốt, sạch bệnh”. Qua quan sát, tại vườn tiêu của anh Vịnh, trên mặt đất, hệ côn trùng có ích phát triển rất mạnh, nhất là loài giun đất sinh sôi một cách tự nhiên dày đặc quanh các gốc tiêu.
Anh Phùng Xuân Hai ở thôn Trung Tâm, xã Đắk Wil chia sẻ: Trước đây, khi cây tiêu có dấu hiệu bệnh, bà con pha thuốc đổ mỗi gốc tiêu một thùng lớn, cây tiêu còn sống không nổi thì nói gì đến con giun, con bọ có ích”. Việc áp dụng kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt, công nghệ sinh học vào sản xuất đã giúp vườn tiêu những hộ đi “tiên phong” trong kỹ thuật này cho thu hoạch trên 4 tấn/ha. Với giá bán hiện tại khoảng 170.000 đồng/kg, thu nhập của bà con hằng năm cũng được hàng tỷ đồng.
Ông Đinh Công Xoan, Chủ tịch UBND xã Ea Pô cho biết, đất đai canh tác trên địa bàn xã Ea Pô cũng như một số địa phương khác trên địa bàn huyện vốn đã cằn cỗi thì nay còn bị nhiễm độc nặng do quá trình sản xuất nông nghiệp, không theo quy trình kỹ thuật trong thời gian dài. Nhưng đến nay, xã đã có hàng chục hộ sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Hướng phát triển này đang mang lại nhiều triển vọng cho ngành nông nghiệp của địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp bà con nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và làm giàu bền vững.
Trao đổi về tình hình sản xuất cây hồ tiêu tại địa phương, ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết, hiện nay, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện phát triển ồ ạt, nguyên nhân là do giá hồ tiêu tăng cao. Năm 2010, toàn huyện mới chỉ có khoảng 600 ha hồ tiêu, nhưng đến nay diện tích hồ tiêu đã tăng trên 3.000 ha. Tuy nhiên, do cây hồ tiêu là cây trồng mới và nhiều người dân chưa nắm bắt được quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Do vậy, theo ông Sơn, trước khi trồng hồ tiêu, nông dân nên tìm hiểu rõ về quy trình sản xuất trồng, chăm sóc, thu hoạch cây hồ tiêu. Đồng thời, bà con phải chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để thực hiện một nền sản xuất hữu cơ… Đó chính là hướng đi duy nhất giúp bà con làm giàu bền vững từ cây hồ tiêu.
Bài, ảnh: Văn Tâm
Nguồn tin: Báo Đăk Nông