Sự “thay da đổi thịt” dễ nhận thấy nhất nơi đây là nhiều ngôi nhà hai bên đường đã được xây dựng kiên cố, khang trang, thay cho những căn nhà gỗ hoặc tranh tre, nứa lá xập xệ trước đây. Đường dây điện hạ thế chạy từ đầu thôn đến cuối thôn đã giúp cho tất cả các hộ dân có điện sử dụng, xua tan đi những gì tối tăm.
Đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII thăm hỏi bà con thôn 1 |
Ông Bi Văn Êm, một người dân trong thôn nhớ đến từng chi tiết đánh dấu sự thay đổi của Cồn Dầu. Đó là ngày 2/7/2009, bà con được cấp giấy chứng minh nhân dân để đi lại và quan hệ dân sự; ngày 23/2/2011, bà con được cấp hộ khẩu; ngày 26/10/2012, cô giáo bắt đầu đến giảng dạy tại điểm trường mẫu giáo, cấp một của thôn; 18 giờ ngày 2/12/2013, thôn có điện thắp sáng; ngày 20/2/2015, nhà thầu hoàn thành thi công, bàn giao đường giao thông cho thôn. Tiếp đó, chính quyền cho cán bộ xuống đo đạc làm “sổ đỏ” cho bà con…
Còn anh Bi Văn Cang, Trưởng thôn tâm sự: “Thật tình thì thôn cũng đang còn trong quá trình phấn đấu vươn lên. Điều đáng nói là được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, thông qua các chương trình, dự án mà bà con đã có điều kiện để xóa đói giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế”.
Qua câu chuyện của ông Bi Văn Êm và anh Vi Văn Cang cũng như từng chứng kiến cảnh sống “hụt hơi” của người dân khu vực Cồn Dầu khi còn là “thôn 3 không”, chúng tôi thật sự “tâm phục, khẩu phục” trước sự đổi thay nhanh chóng ở nơi này.
Thôn 1 chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường di cư từ tỉnh Thanh Hóa vào sinh sống lập nghiệp từ năm 1992. Thôn cách xa trung tâm xã khoảng 20 km. Trước đây, đường sá đi lại khó khăn, không có điện, không có trường học. Mọi sinh hoạt, trao đổi hàng hóa, con em trong khu vực đến trường đều phải qua huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) bằng đò ngang, hết sức vất vả.
Tai nạn chìm đò đã từng xảy ra, làm thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân. Sống trong cảnh không điện nên người dân không có cơ hội để mở mang sản xuất, trồng trọt, làm dịch vụ; việc nghe đài, xem phim ảnh, tin tức thời sự trên các phương tiện truyền thông để mở rộng tầm nhìn hết sức hạn chế. Học sinh muốn học bài phải thắp đèn dầu.
Trước tình hình đó, chính quyền từ tỉnh đến huyện đặc biệt quan tâm và tiến hành quy hoạch, hình thành khu tái định cư nhằm ổn định đời sống người dân và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo tâm tư nguyện vọng của người dân là muốn ở lại định cư tại khu vực Cồn Dầu, nên vào ngày 18/3/2011, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập thôn 1, hình thành ban tự quản của thôn. Sau đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như trường mẫu giáo, trường tiểu học, đường giao thông…cũng được xúc tiến để phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Dẫu còn không ít khó khăn, nhưng bộ mặt thôn 1 - Cồn Dầu đã có những đổi thay lớn |
Để bà con phát triển kinh tế, chính quyền địa phương còn “cầm tay chỉ việc”, vận động chuyển đổi, chọn giống cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất. Với điều kiện đất đai và thời tiết phù hợp, bà con bắt đầu đầu tư phát triển mạnh các loại cây trồng như điều, cao su, hoa màu và tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là bò.
Cùng với việc kêu gọi phát huy nội lực của cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau thì các đoàn thể địa phương cũng đứng ra tín chấp với ngân hàng cho bà con vay trên 1 tỷ đồng để sản xuất. Đến nay, toàn thôn có khoảng 495 ha đất sản xuất; trong đó, 117 ha cây công nghiệp, 378 ha cây ngắn ngày. Đàn bò khoảng 160 con, đàn trâu 24 con. Thôn 1 hiện có 124 hộ, với 456 nhân khẩu, thu nhập bình quân đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm; chỉ còn 18 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo.
Kinh tế dần ổn định, các gia đình đã chăm lo hơn đến việc học hành của con em. Trước đây, phần lớn các em thường bỏ học sau khi học xong tiểu học thì hiện nay, thôn 1 đã có gần 100 học sinh đang đi học ở các cấp; trong đó, có 6 em học THPT, 33 em học THCS...
Thôn đã có điểm trường mẫu giáo và tiểu học. Trưởng thôn Vi Văn Cang cho biết thêm, kể từ khi thành lập thôn đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng lên một bước. Điển hình nhất là con em đi học gần hơn, người dân có điện thắp sáng, xem ti vi, nghe đài, nắm bắt được nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.
Trong chuyến thăm và làm việc tại thôn 1 mới đây, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã thật sự vui mừng trước những đổi thay nơi đây. Đồng chí mong muốn, bà con cùng nhau đoàn kết, sát cánh cùng chính quyền địa phương tiếp tục tìm hướng đi thích hợp để trong vài năm tới có thể xóa hết hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, cộng đồng sống nhân ái, yêu thương, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Lam Giang
Nguồn tin: Báo Đăk Nông