Tháng Khuyến mãi vừa diễn ra ở TP HCM. Hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng... đều hưởng ứng chương trình khuyến mãi chung của TP với mức giảm giá tối đa 49% hoặc bán hàng kèm quà tặng, tích điểm. Không khí mua sắm khá sôi động tại một số siêu thị tổng hợp, còn tại các trung tâm thương mại lớn như Diamond, Parkson, Crescent Mall…, khách tham quan chụp ảnh, ăn uống nhiều hơn mua hàng.
Muốn giảm “thả ga” nhưng không được phép
Trao đổi với chúng tôi tại Hội chợ Tháng Khuyến mãi (đang diễn ra tại TP HCM), một số doanh nghiệp (DN) cho biết rất muốn giảm giá nhiều hơn cho khách nhưng vướng quy định của Luật Thương mại, DN chỉ được giảm giá dưới 50% giá bán sản phẩm nên đành giảm tối đa 49% để không bị phạt. Một số DN, cửa hàng (đặc biệt là hàng mỹ phẩm) “lách” luật bằng cách tổ chức ngày hội xả hàng cho nội bộ (thật ra là bán cho khách hàng), ngày hội sale off giảm giá đến 70%-80% giá trị sản phẩm; chỉ trong vòng 2-3 ngày đã vét sạch kho.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định này đang hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN. Việc can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN như thế này không có nhiều ý nghĩa và quy định đã không theo kịp nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng.
Giới DN thì cho rằng quy định này đã quá lạc hậu so với thực tế, nhất là đối với các ngành hàng tiêu dùng nhanh, điện máy, thời trang. Giám đốc một DN may mặc cho biết trong kinh doanh hàng may mặc luôn dôi dư một số mặt hàng lỗi mốt, hàng qua mùa, DN cần “giải phóng” nhanh để thu hồi vốn, càng “ngâm” lâu lô hàng càng mất giá hoặc trở nên vô giá trị. Mức giảm giá dưới 50% theo quy định hiện tại không còn đủ sức kích thích người tiêu dùng, DN muốn giảm giá nhiều hơn, lên đến 60%-70% nhưng không được phép.
Ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing Công ty TNHH Khu mua sắm Đệ Nhất Phan Khang, dẫn chứng nhiều mặt hàng điện máy, điện tử tồn kho 3 năm trước, giờ giảm giá 49% cũng khó bán. Ví dụ, điện thoại di động 3 năm trước công ty nhập hàng vào giá 5 triệu đồng/chiếc nhưng bây giờ bán 2,5 triệu đồng/chiếc không ai mua. Công ty muốn giảm giá hơn nữa để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn nhưng không thể vì nếu cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị phạt, trường hợp không bị phát hiện thì đến lúc hạch toán thuế cũng không được chấp nhận. “Đặc trưng của hàng công nghệ, kỹ thuật số là giảm giá rất nhanh. Chúng tôi đang giải quyết hàng tồn, hàng lỗi mốt bằng cách dùng làm hàng khuyến mãi, tặng kèm cho khách nhưng không phải khách nào cũng thích như vậy. Trong khi các đơn vị kinh doanh lớn bị quản lý, không dám làm trái quy định thì các cửa hàng nhỏ, bán hàng trên mạng giảm giá “thả ga”, không cơ quan nào “sờ” tới” - ông Lưu Phong bức xúc.
Đi ngược tinh thần kinh tế thị trường
Cho rằng quy định trên không những hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN mà còn cản trở quyền lợi của người tiêu dùng, ông Hoàng Tùng - chuyên gia marketing, CEO chuỗi Pizza Home (Hà Nội) - phân tích việc DN khuyến mãi bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện của DN. Bản chất việc khuyến mãi lớn cũng mang lại lợi ích tốt cho người tiêu dùng. Bản thân như Pizza Home và rất nhiều DN thức ăn nhanh khác, khi muốn đưa sản phẩm mới vào menu đều cần phải có nhận định của khách hàng. Chính vì vậy, việc đưa ra những sản phẩm mẫu để khách hàng ăn thử hoặc giảm giá lớn để kích thích khách hàng dùng thử là điều rất bình thường. Cũng có những mặt hàng sau một thời điểm sẽ mất đi giá trị tinh thần rất nhiều mặc dù sản phẩm vẫn y nguyên như vậy. Trong trường hợp đó, DN giảm giá vượt mức 50% cũng là tất yếu.
“Trong kinh doanh, có rất nhiều trường hợp biến số xảy ra và chương trình giảm giá khuyến mãi là một trong những công cụ có thể giúp DN giảm bớt rủi ro. Hoặc khi DN chuyển hướng kinh doanh sẽ cần phải bán đi mặt hàng cũ để chuyển sang mặt hàng mới, trong trường hợp này, nếu sản phẩm đến được tay người tiêu dùng với giá thấp thì cả DN lẫn người tiêu dùng đều có lợi. Hoặc đôi khi DN đang bế tắc về dòng tiền và cần thiết phải giải phóng hàng để thu về tiền mặt thì công cụ khuyến mãi sẽ giúp ích cho DN rất nhiều. Theo tôi, nên để DN tự quyết việc giảm giá hay khuyến mãi sản phẩm của mình. Việc quy định trần giảm giá về bản chất là đi ngược lại với tinh thần kinh tế thị trường mà chúng ta đang theo đuổi” - ông Hoàng Tùng nêu.
Tại buổi họp báo về Tháng Khuyến mãi mới đây, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cũng bày tỏ quan điểm không ủng hộ quy định cũ kỹ này. Theo ông Đông, việc khuyến mãi vượt mức quy định hiện hành có thể giúp DN tiêu thụ hàng hóa. Trong kinh tế thị trường, việc gò bó ở mức khuyến mãi dưới 50% như hiện nay làm giảm tính chủ động trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo ông Đông, trong khi quy định này chưa được sửa, các DN phải tự cân nhắc để giảm giá đúng quy định. Cụ thể, trong Tháng Khuyến mãi, tất cả đơn vị đăng ký khuyến mãi đều phải đăng ký mức giảm giá; Sở Công Thương cùng các quận - huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng thực tế, việc bảo đảm 100% đơn vị thực hiện đúng quy định là một thách thức lớn vì số lượng đơn vị tham gia khuyến mãi giảm giá trên địa bàn TP HCM quá khổng lồ, rất khó kiểm soát.
Ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam:
Để doanh nghiệp tự tính bài toán cạnh tranh
Quy định DN chỉ được giảm giá dưới 50% can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN. DN hoạt động trên thị trường, tự cân đối tài chính để bảo đảm lợi nhuận, đóng thuế cho nhà nước. Nếu nhà nước vẫn duy trì kiểu quản lý cũ với những quy định cũ, khống chế mức giảm giá của DN thì với thực trạng ngày càng nhiều DN tham gia thị trường, rất khó kiểm soát DN có thực hiện đúng quy định hay không. Trong khi đó, những DN tuân thủ đúng quy định mất đi sự linh hoạt trong kinh doanh và vô tình tạo ra sự không bình đẳng giữa các DN tuân thủ và không tuân thủ quy định nhà nước.
Nhà nước không cần quản lý chính sách, chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường của DN mà nên tập trung đẩy mạnh tính hiệu quả của các hàng rào thương mại, hạn chế hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho DN hoạt động.
Bản thân các DN làm ăn trên sân nhà phải tính kỹ bài toán cạnh tranh, chấp nhận quy luật cạnh tranh; nên khôn ngoan chọn phân khúc ngách, không cạnh tranh trực tiếp với những DN, tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, đầu tư vào những sản phẩm, dịch vụ khác biệt, mang đến giá trị gia tăng cao cho khách hàng. Làm như vậy, DN sẽ giảm bớt áp lực cạnh tranh về giá.
Ông Hoàng Tùng, CEO Pizza Home (Hà Nội):
Chỉ nên tập trung kiểm soát chất lượng
Theo tôi, việc của cơ quan có thẩm quyền là tập trung vào việc sản phẩm được khuyến mãi/giảm giá có bảo đảm chất lượng hay không; việc giảm giá bao nhiêu, giảm giá mặt hàng nào DN nên có quyền tự chủ. Hiện giờ phần lớn người tiêu dùng đều đã có những công cụ để có thể so sánh giá cả và kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Bản chất DN khi đưa ra những chương trình giảm giá/khuyến mãi cũng đã có sự đắn đo và cân nhắc trước khi quyết định về mức giảm giá sản phẩm hay giảm giá cho sản phẩm nào. Vậy nên, cơ quan chức năng chỉ cần tập trung vào việc kiểm soát chất lượng mặt hàng sản phẩm, phần còn lại hãy để thị trường quyết định.
Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing Trung tâm Điện máy Nội thất Thiên Hòa:
Có thể “thả cửa” trong vài ngày
Quy định mức trần khuyến mãi dưới 50% này nhằm hạn chế tình trạng các DN nước ngoài với tiềm lực tài chính quá mạnh tham gia vào thị trường Việt Nam, chấp nhận giảm giá sâu để thu hút khách. Nếu “thả cửa” cho các DN có tiền giảm giá tối đa thì các DN khác không thể cạnh tranh được. Chính sách bảo hộ thế này rất cần thiết nhưng DN cũng rất mong muốn có những dịp được giảm giá sâu hơn nữa để giải quyết tình trạng tồn kho kéo dài. Bản thân Thiên Hòa đã nhiều lần đề xuất với Sở Công Thương TP, xin cơ chế cho DN được giảm giá “thả ga” trong thời gian ngắn (5-10 ngày) để thanh lý hàng tồn và tạo nên những ngày hội mua sắm lớn.
Đ.Nghi ghi
Nguồn tin: NLĐ Online