Chiều 23-10, Quốc hội (QH) đã nghe ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thay mặt Chính phủ báo cáo QH ban hành Nghị quyết điều chỉnh dự toán ngân sách.
Năm 2014, dự toán tăng thu 7,9%
Đồng ý với mức thu ngân sách như Chính phủ báo cáo, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển, cho rằng trong giai đoạn khó khăn hiện nay nhưng năm 2014, dự toán chi ngân sách vẫn tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình. Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với việc giảm chi đầu tư phát triển còn 163.000 tỉ đồng, thấp hơn mức dự kiến bội chi (224.000 tỉ đồng). Đồng thời, phải tiết kiệm chi tiêu bằng cách giảm tối đa chi hội nghị, mua xe công và rà soát tinh giảm biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp...
Khó khăn trả nợ
QH cũng nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về phương án phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014-2016 là 170.000 tỉ đồng (không bao gồm 75.000 tỉ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015). Chính phủ khẳng định với phương án phát hành bổ sung 170.000 tỉ đồng, dư nợ công, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2015 cũng như cuối năm 2016 vẫn bảo đảm an toàn theo quy định, có khả năng huy động và cân đối được nguồn trả nợ.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, ông Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến đồng ý với đề nghị của Chính phủ là phát hành bổ sung 170.000 tỉ đồng vốn TPCP. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được QH cho phép nhưng trên thực tế, khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý.
Cũng có ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị để bảo đảm an toàn nợ công, phù hợp với khả năng huy động và khả năng trả nợ, chỉ nên phát hành TPCP ở mức 120.000 tỉ đồng. Theo ông Phùng Quốc Hiển, khối lượng huy động vốn TPCP để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì mức huy động vốn TPCP trong 3 năm tới bình quân khoảng trên 400.000 tỉ đồng/năm, bằng khoảng 8%-9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ, phát hành trái phiếu... Trong khi đó, việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20% nên tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao. “Việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%; công ty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12% nên có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền chỉ tập trung vào TPCP và thu hẹp đầu tư vào sản xuất” - ông Hiển cảnh báo.
Nguồn tin: NLĐ Online