Chư Jút triển khai chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp

Thứ hai - 05/05/2014 02:36 2.338 0
Hiện nay, tình trạng tổn thất sau thu hoạch của nông dân còn khá lớn. Do đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Chư Jút đã triển khai tổng hợp nhu cầu hỗ trợ tổn thất trong nông nghiệp và có 193 hộ đăng ký, với số vốn vay trên 16 tỷ đồng. Đây là giải pháp cần thiết nhằm giúp nông dân từng bước áp dụng biện pháp cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, qua danh sách tổng hợp nhu cầu vay vốn theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp thì xã Trúc Sơn có 127 hộ, xã Đắk Wil có 66 hộ đăng ký vay vốn để mua sắm các phương tiện máy móc phục vụ sản xuất.

Người dân trên địa bàn xã Trúc Sơn (Chư Jút) vẫn còn dùng sức kéo của trâu bò để cày bừa nên hiệu suất lao động thấp

Hiện nay, qua khảo sát của ngành chuyên môn huyện thì phần lớn các khâu sản xuất của người dân trên địa bàn xã Trúc Sơn và Đắk Wil phải dùng sức người, sức kéo của trâu, bò để cày bừa, thu hoạch, vận chuyển nông sản…

Trong khi đó, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, sân bãi phơi sấy, kho bảo quản còn nhiều hạn chế...

Ông Nguyễn Trường Lâm, một hộ dân ở xã Trúc Sơn cho biết: “Gia đình tôi có trên 2 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu. Nhưng do thiếu vốn nên tôi chưa sắm được phương tiện để sản xuất. Vừa qua, được biết huyện triển khai chính sách vay vốn giảm tổn thất trong nông nghiệp, tôi đã đăng ký vay trên 20 triệu đồng để mua một chiếc máy công nông vừa cày xới, vận chuyển, vừa xay xát cà phê của gia đình".

Còn gia đình ông Nông Văn Siu cũng ở xã Trúc Sơn mỗi năm trồng trên 2 ha ngô, nhưng không có sân phơi nên sau thu hoạch là phải bán hạt tươi ngay, thường là giá thấp. Theo ông Siu, nếu được ngân hàng thẩm định đủ điều kiện thì ông sẽ vay số tiền trên 15 triệu đồng để làm sân phơi.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì lâu nay trên địa bàn huyện rất ít hộ có điều kiện đầu tư các loại máy móc sử dụng trong khâu làm đất, thu hoạch cũng như các sân bãi, nhà kho bảo quản nông sản. Trong khi đó, quá trình sản xuất ngô, bà con chủ yếu phơi bằng bạt nhựa, sân đất vì rất ít hộ có sân xi măng…

Trong công đoạn tẻ hạt cũng bộc lộ nhiều hạn chế, tuy đa số hộ dân tẻ hạt bằng máy có công suất 1,5 - 2 tấn ngô/giờ, nhưng tổn thất do bể hạt khá lớn, làm giá trị thương phẩm giảm. Tương tự, trong sản xuất cà phê, hầu hết các khâu thu hoạch, phơi sấy, chế biến, bảo quản đều có vấn đề liên quan đến tổn thất về sản lượng và chất lượng. Nhất là trong công đoạn phơi sấy, 70% hộ phơi cà phê trên sân đất, chỉ có khoảng 30% hộ phơi bằng sân xi măng.

Bên cạnh đó, hoạt động chế biến tại các nông hộ cũng chiếm tới 90% sản lượng cà phê của địa phương sử dụng các phương pháp thủ công như phơi khô cả quả, xát dập vỏ tươi rồi phơi… đã làm giảm chất lượng hạt cà phê cũng như giá bán trên thị trường. Do đó, việc triển khai chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp sẽ giúp bà con cải thiện các hoạt động sản xuất, hạn chế thất thoát nông sản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập.

Theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp thì đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân.

Về danh mục máy, thiết bị được hỗ trợ gồm: các loại máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy sấy nông sản, thủy sản; máy, thiết bị sản xuất muối sạch; máy, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi; hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp; máy, thiết bị sử dụng sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch thủy sản; thiết bị sử dụng chứa, bảo quản thóc, ngô quy mô hộ gia đình; các loại máy kéo, động cơ diesel sử dụng trong nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản...

Đối tượng và mức hỗ trợ là các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân phải được UBND cấp xã xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông sản, thủy sản; dịch vụ cơ giới nông nghiệp, các doanh nghiệp có ký kết thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc nông dân… Mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị bằng 100% giá trị hàng hóa; hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba…

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập64
  • Hôm nay2,278
  • Tháng hiện tại53,648
  • Tổng lượt truy cập41,121,451
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây