Trung Quốc xem đó là những từ ngữ gây chiến. Nhưng ngạc nhiên là, không một nước nào đứng về phía Trung Quốc. Thay vào đó, 12 nước láng giềng của Trung Quốc ra tuyên bố ủng hộ phát biểu của bà Clinton. 

Đó chỉ là một ví dụ về một thực tế đơn giản: Trung Quốc chỉ có một vài người quen và rất ít bạn bè. Tờ Washington Post viết: "Sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc, những yêu sách chủ quyền ngày càng quyết liệt đối với những quần đảo, bãi đá ngầm, bãi san hô... khiến Trung Quốc căng thẳng với các nước láng giềng và Mỹ - quốc gia có những đồng minh quan trọng với một số nước cùng tuyên bố chủ quyền giống Trung Quốc. Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh trong trường hợp bị tấn công.

Tác giả Ali Wyne của tờ Washington Post đưa ra 5 lý do khiến Trung Quốc không có bạn:

1. Lịch sử: Kinh nghiệm của Trung Quốc thời Chiến tranh lạnh khi vận động qua lại giữa Mỹ và Liên Xô đã hình thành mối ác cảm hiện tại của họ đối với việc thành lập liên minh. Năm 1982, Trung Quốc cam kết theo đuổi một "chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình".

2. Ý thức hệ: Trung Quốc tin rằng những giá trị của mình là đặc biệt, không quan tâm đến một thách thức kiểu Liên Xô về dân chủ, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tư bản dân chủ. Trung Quốc sẽ cảm thấy khó khăn - nếu không nói là không thể -để lôi kéo liên minh với các nước dân chủ.

3. Cá to, ao nhỏ: Lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc - dân số lớn nhất thế giới, diện tích cũng hàng đầu thế giới và vị trí địa lý đầy thách thức (với tổng cộng 14 nước láng giềng), có nghĩa là những nghi ngờ của các nước láng giềng với Trung Quốc là sẵn có. Những hành vi của Trung Quốc trong những năm gần đây - như tự vạch ra đường lưỡi bò chiếm 80% diện tích biển Đông, gia tăng gây sức ép và đôi khi dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền với những khu vực tranh chấp và áp dụng quan niệm ngày càng quyết liệt về lợi ích cốt lõi - đã làm xói mòn hơn nữa khả năng của Trung Quốc để đạt được "sự trỗi dậy hòa bình" ở Châu Á - Thái Bình Dương.

4. Trung Quốc tập trung chủ yếu vào phát triển nội bộ: Trong khi hành vi của Trung Quốc với các nước láng giềng ngày càng hung hăng, thì mối quan hệ của nước này với Châu Á - Thái Bình Dương thường chỉ là giao dịch. Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác kinh tế trên toàn thế giới, ít chú ý đến bản chất của các chính phủ mà nước này tương tác. Do đó, có một khoảng cách đáng kể giữa các thỏa thuận kinh doanh và liên minh bền chặt.

5. Trung Quốc tăng trưởng quá nhanh: Chuyên gia Daniel Kliman của Quỹ Marshall, Đức so sánh sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khoảng thời gian 30 năm (1982-2012) với Mỹ (1870-1900), Đức (1870-1900), Liên Xô (1945-1975) và Nhật Bản (1960-1990), xem xét phần tăng trưởng kinh tế, thương mại và chi tiêu quân sự toàn cầu. Ông kết luận rằng, trong 30 năm đi lên, Trung Quốc "tiến xa hơn, nhanh hơn so với bất kỳ các cường quốc đang lên khác trong nhóm so sánh". Bất kỳ sự gia tăng nào với cường độ như vậy sẽ khơi dậy sự lo lắng.