Theo ông Tân, trước đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 64/2013, hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được tự in hoá đơn, đặt in hoá đơn để sử dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh và giảm đối tượng thuộc diện mua hoá đơn của cơ quan thuế. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, một số DN đã lợi dụng chính sách để mua, bán hoá đơn, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Do vậy, cơ quan quản lý thuế thấy cần thiết phải sửa đổi một số điểm trong việc quản lý in, phát hành hóa đơn.
Giải thích cơ sở cơ quan thuế đưa ra mức vốn điều lệ tối thiểu 15 tỉ đồng để được tự in hóa đơn, ông Tân cho biết, ban soạn thảo đã tham khảo quy định tương tự từ Luật Đầu tư đang áp dụng. Theo đó, những dự án đầu tư dưới 15 tỉ đồng, không thuộc danh mục đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư, còn từ 15 tỉ đồng trở lên phải làm thủ tục đăng ký đầu tư.
Các DN đang tự in hóa đơn vẫn được tiếp tục nếu không có vi phạm về thuế.
Trong Thông tư 39, điều kiện để DN dưới 15 tỉ được tự in hóa đơn phải là DN sản xuất hoặc dịch vụ, theo ông Tân, xuất phát từ thực tế các DN có hành vi gian lận thuế thời gian qua chủ yếu DN thương mại, đặc biệt tập trung ở DN kinh doanh nông - lâm - thủy sản, việc xác định đầu vào và quản lý rất khó do thu mua qua nhiều khâu trung gian. Vì thế, nhằm siết lại quản lý hóa đơn, Thông tư 39 quy định DN thương mại có vốn điều lệ dưới 15 tỉ đồng không được tự in hóa đơn.“Những DN thương mại vốn dưới 15 tỉ có thể đặt in hoặc mua hóa đơn từ cơ quan thuế. Chúng tôi tạo điều kiện tốt nhất, đảm bảo cung cấp hóa đơn đầy đủ cho DN” – ông Tân khẳng định
Các doanh nghiệp chân chính vẫn được tự in hóa đơn
Với lo ngại của các DN đang tự in không đủ điều kiện vốn 15 tỉ đồng phải chuyển sang mua hóa đơn thì không kịp thực hiện có thể gián đoạn kinh doanh, ông Tân cho biết đây là lo ngại không đáng có nếu DN đọc kỹ thông tư. Tại điều 32 của Thông tư 39 quy định rõ: Các DN, tổ chức kinh doanh đang sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành nếu không thuộc đối tượng chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì vẫn thuộc đối tượng được tạo hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in.
“Như vậy, các DN kinh doanh làm ăn chân chính vẫn tự in và đặt in hóa đơn bình thường. Chỉ những DN được xác định rủi ro cao về thuế, có vi phạm trong thủ tục thuế và được cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo mới phải chuyển sang mua hóa đơn từ cơ quan thuế” – ông Tân giải thích.
Còn đối với quy định phát hành hóa đơn, theo ông Tân, trước đây việc phát hành vô hạn định khiến nhiều DN thông báo phát hành rất lớn nhưng sau nhiều năm vẫn chưa sử dụng hết số hóa đơn đã thông báo. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Vì vậy, Thông tư 39 quy định căn cứ trên số lượng hóa đơn DN sử dụng trong thực tế mà cơ quan thuế trực tiếp sẽ thông báo số hóa đơn sử dụng trong 3-6 tháng tiếp. Nếu DN đột biến sử dụng hết hoặc gần hết thì có thể gửi thông báo cho cơ quan thuế để điều chỉnh, còn cơ quan thuế không hạn chế DN phát hành hóa đơn. DN được quyền phát hành hóa đơn theo nhu cầu sử dụng.