Phía VN đã kịch liệt phản đối hành động trên và yêu cầu TQ rút toàn bộ giàn khoan cùng các tàu thuyền bảo vệ khỏi khu vực và tiến hành đối thoại để giải quyết những bất đồng xung quanh vấn đề này.
The Economics Times cho biết các nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ thể hiện sự ngạc nhiên về động thái mới này của TQ tại vùng biển chủ quyền của VN; đặc biệt là sau khi Tập đoàn dầu khí Ấn Độ quyết định tăng cường sự hiện diện tại VN. VN đã đề nghị Tập đoàn dầu khí nhà nước Videsh (OVL) của Ấn Độ tiếp tục thăm dò, khai thác tại 5 lô. OVL đã quyết định triển khai hoạt động tại 1 trong số 5 lô được đề nghị vào tháng 11.2013 và sẽ tiếp nhận thêm 2 lô mới.
Tháng 11.2013, Tập đoàn OVL đã ký bản ghi nhớ với Tập đoàn dầu khí quốc gia VN nhằm tăng cường hợp tác chung trong lĩnh vực khí đốt. OVL có mặt tại VN từ năm 1988. Tập đoàn này đã đầu tư vào VN hơn 500 triệu USD. Có thể gợi nhắc lại rằng TQ đã phản đối sự hiện diện của Ấn Độ tại các lô dầu của VN ở biển Đông. Nhưng Ấn Độ đã bỏ qua những e dè này và OVL tiếp tục hiện diện ở VN.
Theo The Economics Times, tuyên bố chủ quyền của TQ tại biển Đông rõ ràng không có căn cứ về luật pháp quốc tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thực thi luật pháp quốc tế, bao gồm công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Tuyên bố này đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi của công đồng quốc tế và là một nhân tố chính cản trở những nỗ lực giải quyết tranh chấp trong khu vực.
A.H
Nguồn tin: Thanhnien