Báo Trung Quốc dọa dẫm ASEAN, Việt Nam và Philippines

Thứ ba - 07/05/2013 21:18 1.172 0
China Daily, nhật báo tiếng Anh có số lượng phát hành lớn nhất Trung Quốc, vừa có động thái dọa dẫm các quốc gia thành viên của khối ASEAN thông qua bài xã luận mang tựa đề Dẹp các rắc rối trên biển của Ruan Zongze, Viện phó Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, đăng hôm 4.5.
Tàu hải giám Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines - Ảnh: AFP

 

“ASEAN phải ngăn không cho các thành viên của mình gia tăng rắc rối để đảm bảo mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á luôn được ổn định”, Zongze ngang ngược viết trên China Daily.

Thông qua bài viết ông này lên giọng "kể cả" rằng Trung Quốc muốn được thấy ASEAN đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của khu vực, nhưng “tranh chấp chủ quyền tại biển Hoa Nam (biển Đông - PV) đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN”.

“Một số thành viên ASEAN đã cố tình phá hoại quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc vì lợi ích của họ thông qua việc gây rắc rối tại vùng biển Hoa Nam (biển Đông). Việt Nam và Philippines chiếm đóng các vùng biển và hải đảo của Trung Quốc và đang cố lợi dụng các thế lực ngoại bang để củng cố sự chiếm đoạt phi pháp này”, tác giả này trắng trợn vu cáo trong bài viết trên China Daily.

Sau một hồi vòng vo về “thế lực ngoại bang”, Zongze lộ rõ sự bực tức đối với Mỹ khi khẳng định “Tình hình biển Hoa Nam (biển Đông) căng thẳng một phần vì chính sách tập trung vào châu Á của Mỹ”.

“Và Nhật Bản, vốn có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku - PV), cũng đã hùa theo trò chơi của Mỹ để thừa nước đục thả câu tại các vùng biển đang có tranh chấp”, tác giả Trung Quốc nhận định trong bài báo.

Trong bài viết Zongze còn cho rằng, trong số các nước thành viên ASEAN, Indonesia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại biển Đông; nhưng “khác với Việt Nam và Philippines, hai nước này muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán”.

“Cả Thái Lan và Singapore cũng cùng chia sẻ vùng biển Hoa Nam (biển Đông) nhưng không muốn gây tranh chấp làm ảnh hưởng đến quan hệ bằng hữu và hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN”, bài báo cho biết.

Bài viết của Zongze được China Daily đăng tải nhân chuyến đi thăm bốn nước ASEAN là Indonesia, Brunei, Thái Lan và Singapore - từ hôm 30.4 đến 5.5, của tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Việt Nam và Philippines, hai nước mà Zongze liên tục chỉ trích là không có thiện chí với một Trung Quốc “luôn coi trọng quan hệ với các nước ASEAN” trong bài viết của mình thì không có tên trong lịch trình chuyến công cán ngoại giao các nước ASEAN của ông Vương lần này.

Hoàng Uy

Ý kiến bạn đọc
 

MINH TRÍ
ĐÀM PHÁN ĐA PHƯƠNG VỀ BIỂN ĐÔNG LÀ CẦN THIẾT
Chúng ta đã biết trong thời gian vừa qua Trung quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế để thực hiện ý đồ của mình, liên tục đẩy mạnh yêu sách bản đồ “đường lưỡi bò”. Thực hiện đúng ý đồ bành trướng, Trung quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam sa bao gồm cả huyện đảo Hoàng sa và Trường sa thuộc chủ quyền của nước ta. Việc làm trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Do vậy, nước ta không thể đàm phán song phương với Trung quốc được sẽ là bất lợi, vì Trung quốc không theo luật pháp quốc tế để đàm phán.
William Pesek, cây bút bình luận của Bloomberg, nhận định trên tờ Jakarta Globe: “Không thể hóa giải vấn đề bằng đàm phán song phương bởi lẽ Trung Quốc sẽ không bao giờ sòng phẳng ở cấp độ này, nhất là khi có sức mạnh kinh tế và quân sự trong tay”. Các vấn đề tranh chấp thường tác động tới cả một khu vực rộng lớn liên quan đến nhiều nước, do đó cần tiến hành các cuộc đàm phán đa phương để tìm ra cách cách thức giải quyết tranh chấp là tốt nhất. Nếu các quốc gia Đông Nam Á cùng hợp tác để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông hi vọng sẽ có một bước chuyển biến.
Từ xưa đến nay Trung quốc nói một đằng làm một nẻo, khi ngoại giao thì nói là tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng khi thực hiện thì hành động ngược lại xua tàu đánh cá và tàu hải giám vào các khu vực thuộc chủ quyền của nước khác.Gặp phải nước mạnh như Nga có những biện pháp kiên quyết cần thiết, bắt tạm giữ tàu và người vi phạm đưa ra khởi tố xét xử theo luật pháp của nước sở tại thì Trung quốc nhún nhường, còn các nước yếu hơn mình thì hùng hổ cho rằng các nước vi phạm chủ quyền. Nếu Trung quốc vẫn cố tình không tôn trọng luật pháp, để từng bước giải quyết tranh chấp vùng biển đông, hai nước Việt nam và Philippines nên cùng đưa ra Toà án quốc tế về luật biển để giải quyết tranh chấp vùng biển đông của hai nước, ranh giới xác định cụ thể để được luật pháp quốc tế công nhận. Sau khi được Tòa án quốc tế về luật biển phán quyết, thì đây cũng là cơ sở pháp lý để sau này giải quyết tranh chấp vùng biển đông với Trung quốc.
MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay4,001
  • Tháng hiện tại57,332
  • Tổng lượt truy cập41,237,933
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây