Khoảng 9 giờ ngày 30/12/2013, chiếc xe cấp cứu đưa tôi đến trước cửa phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Chư Jút trong tình trạng bệnh rất nặng. Cánh cửa xe vừa mở, thấy tôi chống gậy bước xuống thì 2 nữ nhân viên ra tận cửa xe dẫn tôi vào phòng, dìu lên giường. Ngay lập tức cho thở bằng ô xy, sau đó được đo huyết áp, các xét nghiệm và bác sĩ kết luận ban đầu là tôi bị bệnh cao huyết áp rất nặng. Được sơ cứu ban đầu tôi đã đỡ đau, sau đó được đưa đến buồng Người cao tuổi để điều dưỡng tiếp. Bác sĩ Trần Đình Cường, chủ nhiệm buồng bệnh Người cao tuổi trực tiếp tái khám, thăm hỏi, động viên, an ủi tôi và thân nhân. Sau đó, bác sĩ điều dưỡng giao cơ số thuốc và hướng dẫn tôi sử dụng trong ngày.
Sau một ngày được chăm sóc, bệnh tôi thuyên giảm nhiều. Tôi đã nhìn rõ tự đi lại, ăn uống và giao tiếp với các bệnh nhân nội phòng. Qua đó, tôi biết thêm có nhiều cụ già ở khác tuyến đang điều trị, họ đều chung nhận định: “Bệnh nặng đến Bệnh viện Đa khoa Chư Jút thì an tâm hơn”. Cụ Lại Văn Giảng, 80 tuổi ở Đắk Gằn bị bệnh thần kinh, bà Hoa ở Nam Dong, bà Thiên ở Trúc Sơn bị cao huyết áp; cháu Lê Văn Hòa, 5 tuổi ở Ea Pô, cháu Y Ker, 4 tuổi ở Đắk Gằn và nhiều cháu nhỏ khác bị tiêu chảy cấp đến đây chỉ sau 1 ngày điều trị các cháu đã qua cơn nguy kịch.
Theo các y, bác sĩ ở đây, khuôn viên bệnh viện hiện nay đã xuống cấp nhưng không trùng tu vì sắp được chuyển đến địa điểm mới. Tuy nhiên, bệnh viện có nhiều cây to bóng mát, thẳng lối, thẳng hàng, có sân chơi cầu lông, bóng chuyền, có nơi tập dưỡng sinh, môi trường luôn được xanh, sạch thông thoáng.
Trước giờ xuất viện, một số cụ già chúng tôi cùng nhau đến gặp Ban Giám đốc Bệnh viện để cảm ơn và chia tay. Nữ bác sĩ là Phó Giám đốc Bệnh viện niềm nở tiếp, cho biết: “Các y, bác sĩ ở đây luôn lấy phương châm chữa bệnh cứu người là chính. Hàng tuần vào ngày thứ 6, đơn vị đều có tổ chức buổi họp bệnh nhân với mục đích được nghe bệnh nhân góp ý trong công tác chữa bệnh để thầy thuốc làm tận tâm hơn. Điều quan trọng là thông qua gặp gỡ sẽ tuyên truyền công tác phòng bệnh là chính, chữa bệnh cần kết hợp cả tây y, đông y để bà con trồng thêm cây thuốc nam là “thầy thuốc luôn ở quanh ta", ăn chín, uống sôi, tập dưỡng sinh, không mê tín, dị đoan, tin tưởng thầy thuốc là tin vào khoa học v.v… Do đó, mỗi bệnh nhân về sẽ là một tuyên truyền viên để xã hội hóa công tác phòng bệnh, chữa bệnh tốt hơn”.
Trên đường về nhà, tôi rất cảm kích đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Chư Jút không những chữa được bệnh bằng thuốc thang mà họ còn chữa bệnh tâm lý; và còn phổ biến về kiến thức dược lí cho xã hội… Họ thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Hoàng Ngọc Thuần