Tuy nhiên, với các lỗi vi phạm thông thường với mức xử phạt nhẹ, khi người vi phạm yêu cầu chứng cứ, CSGT chỉ cần cho biết lỗi vi phạm và có người làm chứng để chứng minh. Nếu người vi phạm không đồng ý và không ký biên bản thì CSGT vẫn có thể bị xử phạt.
Nhiều trường hợp người tham gia giao thông bị CSGT yêu cầu dừng xe và bắt lỗi vi phạm. Nhưng trong những trường hợp người tham gia giao thông kiên quyết cho rằng mình không vi phạm thì có được quyền yêu cầu CSGT cho xem chứng cứ hay không?
Để làm rõ vấn đề này, Thanh Niên đã trao đổi với thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM.
Không ký biên bản vẫn phải đóng phạt
| | | Theo Khoản 2, Điều 58 của luật này thì trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì CSGT sẽ xin chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến để xử lý vi phạm. | | | Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp | | |
Theo thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định chỉ đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép (tước bằng lái xe), chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn (hoạt động kinh doanh vận tải) hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Trong những trường hợp như vậy, thì người có thẩm quyền xử phạt phải tổ chức phiên giải trình trực tiếp và có trách nhiệm nêu căn cứ pháp lý và tình tiết, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng đối với hành vi vi phạm.
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, người đại diện hợp pháp của họ có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ngoài ra, thượng tá Diệp cũng cho biết theo Khoản 2, Điều 58 của luật này thì trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì CSGT sẽ xin chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến để xử lý vi phạm.
Trở lại các lỗi vi phạm thông thường, mức xử phạt không nằm trong quy định trên thì CSGT chỉ cần có người làm chứng là xử phạt được.
Nếu không có người chứng kiến thì lực lượng chức năng có thể mời đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm ký vào biên bản vi phạm hành chính để xử phạt người vi phạm.
Vũ Phượng