|
Những ngày sau tết, khi nhiều người dân còn mải đi trẩy hội thì tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) vẫn có rất nhiều người lao động (LĐ) từ các tỉnh, thành về đây chờ vượt biên sang Trung Quốc (TQ) làm thuê. Hầu hết họ đều thông qua những đường dây đưa người vượt biên làm thuê trái phép, và trong đó không ít trường hợp trở về với thảm cảnh: tiền mất tật mang.
Đi trai tráng, về “thây ma”
|
Ánh mắt còn lộ rõ vẻ hãi hùng mỗi khi có người hỏi về chuyến đi làm thuê bên TQ, anh Trần Đức Nhớ (30 tuổi, ở H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội) kể: “Sau khi nhận tiền phần trăm và bàn giao chúng tôi cho chủ TQ, những người đứng ra tổ chức chuyến đi lập tức quay về nước mà chẳng một lần thông tin liên hệ xem chúng tôi ở bên đó ra sao nữa. Ban đầu khi chưa đi, họ nói bên đó ngoài tiền lương trả 7 triệu đồng/tháng, chủ luôn đãi ngộ tốt với LĐ VN. Nhưng sang tới nơi, chúng tôi vỡ mộng hoàn toàn. Mức lương chỉ khoảng 4 triệu đồng, nơi ở là lán trại, bữa cơm toàn đậu phụ với rau xanh, thi thoảng mới có miếng thịt, còn ăn sáng là chiếc bánh bao với mấy cọng hành. Nhưng thời gian làm việc không bao giờ dưới 12 tiếng/ngày”. Do không kham nổi, hết tháng đầu tiên anh Nhớ đành chấp nhận mất luôn tiền lương để được về nước sớm hơn dự định.
Còn anh Hứa Hải Hòa (30 tuổi, ở thị trấn Cao Lộc, H.Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cho biết cùng nhiều người khác vượt biên qua làm thuê cho một công ty mỹ phẩm của người TQ. “LĐ Việt luôn bị ép tăng thời gian. Nếu bất cứ ai có ý phản đối liền bị cai chửi bới, thậm chí đánh đập và tìm cách cắt bớt tiền lương”, anh Hòa kể. Hết tháng thứ sáu, anh cùng một số LĐ khác tìm mọi cách xin về nước và “Về đến nhà gia đình không nhận ra tôi vì nhìn hệt một thây ma, dáng đi xiêu vẹo và phải mất thời gian khá dài nghỉ ngơi mới có thể trở lại lao động tay chân được”.
“Ở quê, việc đồng áng có vất vả tới mấy cũng không ăn nhằm gì với người mình khi sang kia làm thuê cho chủ TQ. Như mùa hè, ở mình gần 10 giờ sáng là đã không còn ai ngoài đồng rồi. Nhưng bên đó, chủ chỉ cho mình nghỉ trưa khoảng 15 phút ngay tại cánh đồng mía, rồi tiếp tục làm đến nhọ mặt người. Ngày nào cũng thế, quần quật khoảng 14 tiếng đồng hồ”, anh Hứa Văn Hùng (ở xã Thụy Hùng, H.Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) kể về chuyến sang TQ chặt mía thuê. Chưa hết, LĐ vất vả là vậy, nhưng tới bữa ăn có hôm chủ cho người đem ra có độc bát canh rau với vài miếng thịt mỡ. “Đáng sợ nhất là khi dân mình bị lừa vào rừng sâu để kéo và xẻ gỗ. Làm việc thì cực nhọc, nguy hiểm, dễ mất mạng như chơi, nhưng mở miệng ho he một tiếng là bọn cai đánh đập không thương tiếc. Chúng còn dọa nạt, ai mà hé răng là chúng đẩy xuống vực sâu, chết mất xác... Vì không biết tiếng, xung quanh toàn rừng núi nên chỉ biết cắn răng chịu đựng làm hết hợp đồng”, anh Hùng nói.
Bị cướp sạch tài sản
|
Trung tá Nguyễn Xuân Dũng, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP.Móng Cái (Quảng Ninh), cho biết những cò dẫn mối tham gia đường dây đưa người sang TQ làm thuê đều từng bị cai, chủ TQ bóc lột sức LĐ, thậm chí là lừa tiền, nay quay lại bắt mối với chủ cũ để đưa người sang đó làm thuê, nên họ không từ một thủ đoạn nào. “Tất cả những LĐ sang đó đều bị chúng giữ giấy tờ, giữ tiền lương, cộng với việc không biết tiếng Trung nên luôn bị o ép và gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm”, trung tá Dũng nói.
Anh Trần Văn Xinh (ở xã Tân Lập, H.Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) cho hay sau khi được đưa qua biên giới, anh cùng nhóm 12 người nữa được cò bắt xe khách đưa tới làm việc tại xưởng sản xuất gạch với hợp đồng miệng là 3 tháng. Đúng ngày cuối cùng trong hợp đồng, trước khi đi ngủ thì chủ để cửa mở sẵn. Tới giữa khuya, chủ đột nhiên hô hoán có công an. Lo sợ bị bắt vì vượt biên trái phép, toàn bộ nhóm của anh Xinh bật dậy cắm cổ lao về phía mấy ngọn đồi ở tít xa. Tới chiều hôm sau, không thấy ai truy bắt, nhóm Xinh quay trở lại xưởng gạch và bị chửi mắng thậm tệ vì “tự ý bỏ làm không xin phép” và bị phạt, trừ toàn bộ 3 tháng tiền lương.
Một thủ đoạn khác cũng thường được đám cò sử dụng là giả làm công an TQ đón lõng phía gần biên giới. Anh Hứa Văn Hữu (39 tuổi, nhà ở giáp với khu vực cửa khẩu Móng Cái) cho biết do công việc phải thường xuyên qua lại TQ nên chứng kiến nhiều cảnh LĐ Việt sang đó làm thuê, khi về gần tới biên giới thì bị chặn đầu, lột sạch. “Xe dừng một cái là chúng đòi lục soát người, thu tiền và dọa nếu không nghe lời sẽ tống vào trại dành cho những người vượt biên trái phép. Lo sợ bị bắt vào trại thật, nên người LĐ đều phải chấp nhận để chúng lấy tiền. Chính mắt tôi nhìn thấy nhiều người bị chúng lột trắng tài sản”, anh Hữu kể.
Suýt bị bán vào động mại dâm
|
Mới đây, ngày 15.2, chị Vũ Bích Thảo (ở H.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có đơn trình báo Công an TP.Móng Cái về việc em trai là Vũ Trung Thành bị Trần Ngọc Thành (28 tuổi, ở xã Mai Đình, H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội) rủ rê vượt biên trái phép sang TQ làm thuê từ tháng 6.2013 và hiện không rõ tung tích. Theo chị Thảo, đợt giáp Tết Giáp Ngọ, chị gọi nhiều lần vào số máy cho Thành để hỏi xem em mình làm ở đâu và khi nào về, thì được người này cho biết Trung Thành đã bị Công an Đông Hưng (TQ) bắt giữ, hiện đang ở trong trại tị nạn. Nếu muốn em trai được thả về thì ngày 16.2 cầm theo 5 triệu đồng lên Bến xe Móng Cái, rồi theo Thành sang TQ để lo cảm ơn Công an Đông Hưng. Nhưng khi lên Móng Cái phải đi một mình, không được tiết lộ cho ai biết.
Đúng 5 giờ ngày 16.2, khi trời còn chưa rõ mặt người, tại Bến xe Móng Cái, khi Thành đang vội vã đưa chị Thảo ra bắt xe để vượt biên trái phép, 4 trinh sát hình sự của Công an TP.Móng Cái bất ngờ xuất hiện, yêu cầu Thành về trụ sở làm việc. Tại đây, Thành khai thường xuyên rủ rê người khác vượt biên trái phép sang TQ làm thuê, nhằm hưởng phần trăm từ chủ sử dụng LĐ. Thành cũng khai hiện không thể biết chính xác em trai chị Thảo đang ở đâu.
Trung tá Nguyễn Xuân Dũng nhận định: “Nếu chị Thảo không sáng suốt trình báo với công an, mà cứ lẳng lặng làm theo lời tên này thì kiểu gì sau khi qua biên giới Thành cũng sẽ chiếm đoạt số tiền 5 triệu đồng và bán chị này cho các nhà chứa làm gái mại dâm”.
Hà An
Nguồn tin: Thanhnien