Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Xã hội đã lựa chọn người thì ít khi sai. Ảnh: Doãn Tấn.
Thảo luận về Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thẳng thắn cho rằng, muốn đất nước phát triển thì vấn đề quan trọng là làm sao trọng dụng được nhân tài vào bộ máy.
“Singapore trước đây có gì đâu, nghèo rớt, phải nhập nước ngọt để sinh hoạt. Thế mà người ta lại xây dựng được nền kinh tế của mình cạnh tranh nhất thế giới, phát triển mạnh mẽ. Mà Singapore bao năm rồi cũng chỉ một đảng cầm quyền thôi”, Tiền Phong dẫn lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.
Và để đất nước phát triển, theo ông Vinh, vấn đề quan trọng nhất là phải trọng dụng được nhân tài. Tuy nhiên đây là vấn đề mà thời gian qua nói rất nhiều nhưng vẫn chưa làm được. “Nói thật ở ta thì cuối cùng mang hồ sơ lý lịch ra đồng ý là xong. Khó lắm. Cơ chế của ta chưa có lựa chọn đánh giá nên phải đánh giá thông qua tuổi, lý lịch, bằng cấp. Bằng cấp thì lại đua nhau mua, không đánh giá chất lượng công việc thực tế của người đó ra sao”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, mới đây Canada bầu Thủ tướng mới 43 tuổi. Nhưng đó là người do xã hội lựa chọn. Xã hội đã lựa chọn thì ít khi sai… Và chỉ xã hội chọn mới có được cán bộ tài thực sự.
Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 22.10, báo Giáo dục Việt Nam cho biết ông Bùi Quang Vinh đã nói rất thẳng thắn rằng, lúc này ông có 3 mối băn khoăn lớn về tương lai đất nước. Đó là sự yếu kém của khối doanh nghiệp trong nước, sự yếu kém của ngành nông nghiệp và vấn đề sử dụng ngân sách.
Về khối doanh nghiệp, ông Vinh trăn trở: "Tại sao các nước đầu tư các khu công nghệ cao ở Trung Quốc họ rất lo, còn ở Việt Nam thì không?
Vì Trung Quốc có nền tảng công nghệ rất mạnh, nên họ “ăn cắp” công nghệ rất giỏi. Họ mua một cái máy bay Boeing về tháo ra, họ có thể sản xuất được một cái máy bay Boeing.
Còn Việt Nam, có những công nghệ các DN FDI muốn chuyển giao thật, như Nhật Bản rất muốn ta làm được cho họ để đỡ chi phí, nhưng ta không có đủ nền tảng để tiếp nhận.
Một nền kinh tế không có được lực lượng DN mạnh không bao giờ là một nền kinh tế mạnh, càng không bao giờ là một nền kinh tế tự chủ. Tôi rất trăn trở! DN vẫn yếu, quy mô vẫn nhỏ, vẫn ăn xổi, vẫn làm dịch vụ rất nhiều, còn nền tảng sản xuất chính ta làm rất ít".
Về nông nghiệp, ông Vinh trăn trở: "Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng là một nền nông nghiệp rất thô sơ. Ta có rất nhiều sản phẩm sản lượng đứng đầu thế giới, nhưng giá trị gia tăng rất thấp.
Bao nhiêu năm vẫn còn con trâu đi trước, cái cày theo sau, ruộng chia bé tí, kể cả ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việc phân đất cho các hộ gia đình tự cứu mình thời gian trước đã trở thành cản trở cho giai đoạn này".
Bộ trưởng KH-ĐT cũng dự báo trong tương lai, khi quá trình hội nhập sâu sắc hơn thì nông nghiệp sẽ còn gặp khó khăn nhiều hơn khi không theo kịp thời cuộc. Ông ví dụ: "Trả lời câu hỏi của đại biểu: Vì sao ta phải đi nhập ngô, đỗ tương? Là do kinh tế thị trường điều tiết. Giá ngô ở Việt Nam gấp 3 lần ở Mỹ. 1 công lao động máy móc của họ gấp 1000 công lao động của Việt Nam, nên họ có sức cạnh tranh".
Về tái cơ cấu ngân sách, ông Vinh nêu rõ: "Năm 2016, nguồn lực của chúng ta rất cam go. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy ngân sách năm 2016 tăng 60.700 tỷ đồng. Con số rất vui, nhưng đây chỉ là phần tăng “nghiệp vụ”, còn số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái.
Ngân sách Trung ương vẫn là 124.000 tỷ, nhưng có những phần không thể điều tiết được, đã có sẵn mục chi hết rồi, như 50.000 tỷ vốn vay ODA, trước đây tiêu bao nhiêu mới ghi vào, giờ là ghi đầy đủ luôn, nghe thì to nhưng không điều tiết được.
Thứ 2 là tiền đất, trước kia khoảng 37.000 – 38.000 tỷ thì bây giờ đưa lên thành 50.000 tỷ, ghi là như thế nhưng của địa phương nào thu được địa phương đó dùng, có điều tiết cho tỉnh khác được đâu. Thứ 3 là xổ số kiến thiết 26.000 tỷ, trước đây không đưa vào, giờ đưa vào. Nhưng cái này tỉnh được giữ lại 100%.
Trừ tất cả cái đó đi thì phần có thể bố trí cho chương trình nọ, chương trình kia chỉ còn khoảng 45.000 tỷ thôi, bao gồm cả chi đầu tư cho các bộ, các địa phương và trả nợ xây dựng cơ bản. Vô cùng nhỏ bé! Nguồn để đầu tư mới không còn nhiều".
Anh Tú (tổng hợp)