Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận như vậy khi giải trình trước Quốc hội sáng nay 3.11, về việc sử dụng chất cấm trong nông nghiệp mà các ĐBQH nêu ra trước đó.
Thương lái ép nông dân dùng chất tạo nạc
Bộ trưởng Tiến cho biết đã “lắng nghe và tiếp thu” ý kiến các ĐBQH liên quan đến vấn đề các chất cấm, kháng sinh tồn dư không được phép ở trong các sản phẩm nông sản, trong sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Theo bà Tiến, những chất cấm kháng sinh như chloramphenicol hoặc salbutamol là những dược phẩm cần thiết nhập khẩu để điều trị cho người. Quy trình về quản lý các dược phẩm này khá chặt chẽ, từ nhập khẩu nguyên liệu, quy trình sản xuất đến kinh doanh, phân phối.
Việc sử dụng các chất này, theo Bộ trưởng, phải qua đơn và trong quá trình sử dụng, các nhà nhập khẩu đều phải báo cáo các hóa đơn xuất nhập khẩu và các hợp đồng.
“Tuy nhiên, có thông tin thời gian vừa qua, ngành y tế cho nhập khẩu khoảng 65 tấn salbutamol thì chúng tôi thấy không chính xác, chỉ cho nhập 3,5 tấn”, Bộ trưởng Tiến cho biết.
Bộ trưởng Y tế cũng cho rằng khả năng thương lái hoặc doanh nghiệp mua các thành phẩm ở các hiệu thuốc để bỏ vỏ nghiền ra cho vào thức ăn gia cầm là khó xảy ra. Nguyên nhân là vì quá trình quản lý chặt, giá mua các thành phẩm rất cao.
“Nguyên nhân ở đây là người chăn nuôi muốn có lợi nhuận và đạo đức kinh doanh không được coi trọng, cho nên đã cho các chất cấm đó vào thức ăn của gia súc. Trong quá trình chúng tôi phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn điều tra thì biết thương lái ép buộc người dân muốn thu mua giá thành cao thì phải cho các chất tạo nạc và các chất cấm đó để tăng năng suất”, Bộ trưởng nói.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc đưa các chất cấm vào Việt Nam qua các đường nhập lậu không quản lý được cũng gia tăng và tạo điều kiện cho các nhà chăn nuôi mua các sản phẩm này cho vào thức ăn gia cầm.
Bộ trưởng thống nhất với các ĐBQH đây là vấn đề cần phải quản lý chặt, do đó, Bộ Y tế đã đang và sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa quy trình nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất. Theo Bộ trưởng, Thủ tướng đã có Quyết định 38 về cho thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đến tận huyện, xã. Tiền phạt theo Nghị định xử phạt cho phép được huyện và xã giữ lại để thực hiện công tác thanh tra.
Bộ trưởng Tiến cũng cho biết trong các đợt tết Nguyên đán, tết Trung thu, kiểm nghiệm thực tế ngẫu nhiên toàn hệ thống thanh tra liên ngành từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã thì số mẫu vi phạm đã giảm từ 10 - 30% trên các nông sản, cũng như thực phẩm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây là một vấn đề rất lớn và Bộ Y tế mong Quốc hội, Chính phủ và các địa phương sẽ phối hợp. Trong thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất một số chính sách, kể cả bộ máy, giải quyết vấn đề này, bà Tiến cho biết.
“Bảo hiểm y tế không đến nỗi áp lực với học sinh, sinh viên” Liên quan đến vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT), trả lời về việc thu tiền BHYT bắt buộc theo hộ gia đình, Bộ trưởng Y tế cho biết điều này đã được quy định theo luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đã được thông qua. “Để tránh áp lực cho người dân phải đóng cho tất cả thành viên hộ gia đình một lúc, Bộ đã có công văn gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị giãn thời gian đóng ra để các hộ gia đình có thời gian chuẩn bị", bà Tiến thông tin. Về vấn đề bảo hiểm học sinh đóng 15 tháng, Bộ trưởng Y tế cho biết Bộ đã có công văn và Bảo hiểm xã hội đã chỉ đạo ngành dọc của các địa phương, đã giãn ra đóng thành 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng. Theo Bộ trưởng, mức đóng thực tế cũng không cao, vì học sinh, sinh viên theo 3 mức: Đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo hoặc đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, hải đảo thì nhà nước mua toàn bộ thẻ bảo hiểm đó. Đối với sinh viên, học sinh thuộc hộ cận nghèo, nhà nước mua 70%. Đối với học sinh, sinh viên bình thường nhà nước hỗ trợ 30%, đóng thành hai mức, 6 tháng một lần. “Chúng tôi nghĩ không đến nỗi áp lực đối với học sinh, sinh viên”, Bộ trưởng Tiến nói. |
Trường Sơn
Nguồn tin: Thanhnien