Ngân sách bội chi vì bộ máy hành chính quá cồng kềnh - Ảnh: Ngọc Thắng |
Chi ngân sách chủ yếu “nuôi” bộ máy
|
Trái ngược với tình cảnh bi đát của năm ngoái khi ngân sách liên tiếp phải đối mặt với cảnh hụt thu, 2 tháng đầu năm nay theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thu ngân sách đạt gần 130.000 tỉ đồng, so với dự toán được giao tăng 16,6%, còn so cùng kỳ 2013 cũng tăng gần 13%.
Mặc dù nguồn thu từ dầu thô có giảm 3,2% so cùng kỳ (khoảng 17.000 tỉ đồng), nhưng một tín hiệu tích cực là thu nội địa đạt gần 93.500 tỉ đồng, tăng 17,3% so với dự toán và 18,3% so với cùng kỳ. Trong cả nước có 45 tỉnh, thành thu nội địa vượt dự toán và 18 địa phương thu không đạt yêu cầu. Số liệu cũng ghi nhận thu xuất, nhập khẩu sau 2 tháng đạt 19.000 tỉ đồng, đang trên đà tăng (12,3% so với dự toán và tăng 4,9% so với cùng kỳ). Nhìn vào các con số, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Nhờ quyết liệt triển khai ngay từ đầu năm, kết quả thu tương đối tốt. Đặc biệt, thu nội địa nếu so với cùng kỳ một vài năm gần đây tăng khá cả về tiến độ, lẫn số thu”.
Thu tăng, nhưng ở phía “đầu ra”, chi ngân sách cũng tăng không kém. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau 2 tháng lũy kế chi đạt 150.000 tỉ đồng, tăng 4,3% so cùng kỳ, bằng gần 15% dự toán năm. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng không đánh giá cụ thể về các khoản chi, chỉ đưa thêm một con số bội chi đạt khoảng 20.000 tỉ đồng, bằng 9% dự toán năm (224.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, nhìn vào cách chi tiêu và giải ngân tiền trong 2 tháng đầu năm thì rất đáng lo ngại. Thông thường chi tiêu hiệu quả là khi chi đầu tư tăng mạnh, còn chi thường xuyên (đặc biệt chi hành chính, bộ máy) giảm nhưng cơ cấu chi vừa qua lại bị đảo ngược hoàn toàn. Chi đầu tư phát triển chỉ đạt 23.270 tỉ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ, ngược lại chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng… gần 108.000 tỉ đồng, tăng 5,2% so cùng kỳ và bằng gần 16% dự toán.
Trong tất cả các nguồn chi theo thống kê của Bộ Tài chính, không có một nguồn nào giảm khi đem so sánh với dự toán và cả cùng thời điểm năm 2013. Cụ thể, chi giáo dục - đào tạo dạy nghề 25.800 tỉ đồng (tăng 14,8% so dự toán và 7,5% so cùng kỳ), chi y tế đạt 8.900 tỉ đồng (cũng tăng 14,8% so với dự toán và 5,3% cùng kỳ), chi sự nghiệp kinh tế 9.000 tỉ đồng, tăng 15,5% dự toán; đặc biệt chi quản lý hành chính đạt 14.600 tỉ đồng (bằng 14,8% dự toán và tăng 0,7% so cùng kỳ).
“Siết” ăn tiêu, tăng chi đầu tư
|
Còn nhớ, năm 2013 là một năm đầy khó khăn của ngành tài chính khi ngân sách chỉ “thoát hụt thu” vào một vài tháng cuối cùng, còn bội chi ngân sách bị vỡ kế hoạch từ 4,8% GDP phải xin điều chỉnh lên 5,3% GDP. Bài học “xương máu” này được rút ra ngay từ đầu năm 2014, khi Bộ Tài chính quyết liệt yêu cầu tất cả các đơn vị siết chặt chi tiêu, siết chặt mua sắm tài sản công, triệt để tiết kiệm. Nhưng thực tế kết quả lại không như mong đợi.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), chi nhiều không có gì đáng lo nếu số tiền đó dành cho đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng phát triển, tạo ra của cải vật chất. Ngược lại nó sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu nguồn tiền đó chủ yếu dành để chi cho bộ máy hành chính cồng kềnh, chi mua sắm tài sản công, mua xe, tổ chức lễ hội, đi nước ngoài... “Trong tình cảnh ngân sách năm nào cũng phải đi vay để bù đắp bội chi, việc không tăng được đầu tư để sinh lời, bộ máy chỉ tăng xài tiền cũng không khác gì một gia đình mà suốt ngày phải đi vay tiền để ăn tiêu, nuôi miệng”, TS Doanh so sánh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) phân tích, cung cách chi tiêu tiền ngân sách vừa qua hết sức không hợp lý. Điều đáng phê phán hơn, theo chuyên gia này, nó phản ánh ý thức người được giao chỉ tiêu tiền thuế của dân không cao, chưa được quán triệt tinh thần của các đơn vị nhà nước khi Quốc hội đã ban hành nghị quyết, yêu cầu Chính phủ cần triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, phải cắt, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác. “Năm nào cũng kêu gọi cắt giảm 10% chi thường xuyên cho bộ máy quản lý hành chính, năm nay cũng vậy nhưng càng tuyên bố cắt lại càng tăng lên, chi tiêu vung tay quá lãng phí”, bà Lan nói. Cũng theo chuyên gia này, trong khi sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, công chức không làm việc hiệu quả chưa thể cắt giảm, thì số công chức mới lại có dấu hiệu tăng lên thực sự đáng lo ngại.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), đề nghị Bộ Tài chính cần siết lại kỷ luật chi tiêu hơn nữa, bóc tách rõ các khoản nào chi để mua sắm công vượt quy định, định mức phải xử lý nghiêm. Phải sớm đẩy mạnh tinh giản biên chế, quyết liệt cắt giảm cán bộ công chức có biên chế nhưng không có năng lực, chểnh mảng, thờ ơ với công việc. Yêu cầu các địa phương rà soát các chương trình lễ hội, văn hóa, khai trương, động thổ… tiết kiệm tối đa trong bối cảnh đất nước còn nghèo, kinh tế khó khăn, ngân sách còn quá eo hẹp.
Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
Nguồn tin: Thanhnien