Già làng Y Rắk kể: Cách đây đã mấy trăm mùa rẫy, cụ Aya HGân từ xã Hòa Xuân (nay thuộc TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) đã vượt sông Sê-rê-pốc sang bờ Nam lập nên ngôi làng lấy tên buôn Buôr.
Người dân buôn Buôr dựa vào nguồn nước mát lành và các loại thủy sản trên sông mà sinh sống và phát triển cho đến ngày nay.
Ông Y Jút - Bí thư chi bộ buôn cho biết: Hiện buôn còn lưu giữ được 15 ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê, trong đó có những nhà dài đã trên 100 năm tuổi; được kế thừa qua 4-5 đời con, cháu.
Lâu đời nhất phải kể đến nhà của các cụ Y Ngăm, Y Săm, Y Lui dài gần 100m với trên 100 năm tuổi. “Xưa kia, những ngôi nhà dài này là nơi chung sống của 3-4 thế hệ trong gia đình. Để làm một ngôi nhà dài này, chủ nhân của nó phải mất nhiều năm trời vào rừng tìm chặt những cây gỗ cà chít to, đẹp rồi dùng voi kéo về đẽo, đục làm 2 hàng cột chính của ngôi nhà, mỗi cây có đường kính hơn nửa mét;…
Cũng theo ông Y Jút, buôn Buôr đứng đầu về số lượng chiêng cổ, ché cổ, bát đồng, khung dệt... so với các buôn làng khác. Những năm trước đây, cả buôn còn lưu giữ được gần 50 bộ cồng chiêng cổ hàng trăm năm tuổi và nhiều nghi lễ truyền thống của đồng bào Ê Đê như lễ cúng nhà mới, cúng bến nước, lễ rước Kpal, lễ cúng lúa mới... Chính vì vậy, không chỉ người dân ở buôn Buôr mà đồng bào dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên đều rất tự hào về buôn Buôr.
Lỗ chỗ với xi măng, sắt thép
Năm 2007, dự án được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phê duyệt với kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng, giao Sở VHTTDL tỉnh Đăk Nông làm chủ đầu tư.
Theo ông Tô Đình Tuấn - Giám đốc Sở VHTTDL Đăk Nông, mục tiêu của dự án là quy hoạch buôn Buôr thành điểm du lịch sinh thái, văn hóa không chỉ riêng của Đăk Nông mà cả khu vực Tây Nguyên.
Năm 2008, Bộ VHTTDL đã chuyển số kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng cho chủ đầu tư để thực hiện một số hạng mục của dự án như xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và sân bãi, đường vào buôn dài khoảng 300m; khôi phục, duy tu, tôn tạo 3 nhà dài, 1 bến nước và giếng cổ…
Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, do gặp khó khăn về kinh phí nên Bộ đã ngưng cấp số vốn còn lại cho chủ đầu tư, buộc các hạng mục còn lại của dự án phải tạm dừng…
Ông Cao Đắc Chí - Bí thư Đảng ủy xã Tâm Thắng cho biết: Hiện nay, không gian buôn cổ đã hoàn toàn bị phá vỡ, bởi hầu hết các hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà cổ đều rất bức xúc về chỗ ở. Nhiều gia đình cả mấy thế hệ cùng chung sống rất chật chội, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Vì vậy con cái họ khi lập gia đình đều muốn tách hộ ra ở riêng để thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất.
Cũng theo ông Chí, những ngôi nhà bằng xi măng, sắt thép kiên cố với kiến trúc hiện đại được xây lên ngay bên cạnh nhà dài ngày càng nhiều. Mối đe dọa càng nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây, khi nhiều tư thương đến buôn Buôr để săn mua nhà dài, chiêng, ché cổ về trưng bày ở các khu du lịch.
“Khi biết Nhà nước có dự án bảo tồn để giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống cha ông cho con cháu, già cũng như những người lớn tuổi trong buôn mừng lắm. Nhưng vui bao nhiêu thì nay thất vọng bấy nhiêu. Nếu không được triển khai tiếp tục, e rằng chẳng bao lâu nữa hồn vía của cái buôn cổ này mất hết”- già Y Rắk buồn rầu nói.