CNN: “Ngư dân Việt Nam quyết không nhân nhượng một tấc lãnh thổ“

Thứ hai - 02/06/2014 21:14 838 0
Phóng viên CNN đã đến gặp 10 ngư dân Việt Nam trên chiếc tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm. Những ngư dân này đã kể lại với CNN khoảng thời gian kinh hoàng...

Đối với 10 ngư dân trên tàu cá Việt Nam DNA 90152, kịch bản xấu nhất đã xảy đến với họ vào đầu tuần trước, khi thuyền của họ bị lật sau khi bị một tàu mà họ nói là tàu quân sự của Trung Quốc đâm.


Thuyền trưởng Đặng Văn Nhân nói với CNN thông qua phiên dịch rằng, ngày 26.5, ông cùng các ngư dân khác đang đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách giàn khoan trái phép Hải Dương 981 của Trung Quốc khoảng 17 hải lý ở đảo Hoàng Sa. 
 
Các thuyền viên tàu cá DNA 90152 tại Đà Nẵng ngày 31.5.

Các ngư dân đánh bắt cá trên tàu gỗ vào khoảng 4 giờ chiều thì phát hiện một chiếc tàu tiến về phía họ. "Họ đâm vào mạn phải tàu và bỏ đi. Tàu cá của chúng tôi bị lật. Cả 10 thuyền viên phải bơi, trước khi được tàu cá DNA 90508 đến cứu. Chúng tôi đã bơi khoảng 10 phút".


Thông tin của thuyền viên Việt Nam trái ngược với cách mà báo chí Trung Quốc đưa tin. Theo Tân Hoa xã, tàu Việt Nam "quấy rối" tàu cá Trung Quốc gần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Tân Hoa xã cho biết, tàu cá Việt Nam bị lật sau khi "đâm" tàu cá Trung Quốc.

May mắn thoát chết

Ông Đặng Văn Nhân cảm thấy may mắn vì được tàu cá khác của Việt Nam gần đó cứu sống ông và các thuyền viên khác. "Chúng tôi còn may mắn vì sự cố xảy ra vào ban ngày, và nhiều bạn bè nhìn thấy chúng tôi".

Theo ông Nhân, kể từ khi tàu bị húc đến lúc thuyền viên bỏ tàu chỉ khoảng 4 phút. Thậm chí, mọi người còn không có thời gian để mặc áo phao. Một trong số ngư dân bị thương nhẹ là anh Nguyễn Huỳnh Bá Biên, bị trầy xước ở chân, vai, ngực và gần mắt. "Tàu Trung Quốc không hề có ý định cứu chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tàu Trung Quốc, nhưng kệ cho tàu của chúng tôi bị chìm, không tàu nào của họ hành động để ứng cứu" - ông Nhân nói.

Bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cho biết, tàu cá này trị giá khoảng 5 tỉ đồng. Nó sẽ không được dùng lại vì sợ bị đen đủi. Anh Biên nói rằng, chiếc tàu đã đánh cá trong vùng biển này nhiều năm trước khi sự cố phát sinh. Kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan hạ đặt trái phép, số vụ tấn công ngày càng tăng mạnh.

Trung Quốc đổ lỗi

Trung Quốc tuyên bố, vụ chìm tàu cá hoàn toàn do lỗi của thủy thủ đoàn. "Một thuyền đánh cá Việt Nam xâm nhập thô bạo vào khu vực cảnh báo gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, sau đó đâm vào mạn trái của tàu cá Trung Quốc và bị lật" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qing Gang nói trong cuộc họp báo một ngày sau vụ tai nạn. "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nguyên nhân trực tiếp của vụ tai nạn là do phía Việt Nam".

Ông Nhân và các thuyền viên khác phủ nhận thông tin này. "Tuyên bố của Trung Quốc là sai trái. Tàu Trung Quốc to hơn tàu cá của chúng tôi 6 lần. Tàu của chúng tôi vỏ gỗ, tàu của họ vỏ thép. Thật vô lý nếu tàu chúng tôi cố tình tiếp cận và đâm vào tàu kích cỡ đó".

Sự liên can của chính phủ Trung Quốc?

Ông Nhân nói, ông nghi ngờ rằng chiếc tàu Trung Quốc thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển nước này, được cải trang thành tàu cá, vì nó có vỏ bằng thép chứ không phải bằng gỗ truyền thống. Ngoài ra, tàu này cũng cắm cờ Trung Quốc. Kinh nghiệm cho ông Nhân thấy, đó là tàu của chính phủ Trung Quốc.

Anh Biên nói thêm: "Chúng tôi chỉ nhìn thấy một người trên tàu Trung Quốc. Anh ta ném chai thủy tinh về phía tàu chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi không nhìn thấy ai cả".

Bà Hoa cho biết, chính phủ Trung Quốc không bồi thường. Ngoài ra, cũng không có bất kỳ liên lạc nào từ phía Trung Quốc. Trong khi đó, ngư dân không đủ tiền để mua tàu mới.

"Giờ đây họ bị thất nghiệp. Họ không có việc làm cho đến khi có tàu mới. Vụ tai nạn làm chúng tôi mất 5 tỉ. Gia đình chúng tôi sống nhờ cá, và chưa đủ tiền để mua tàu cá mới" - bà Hoa nói.

Chính quyền địa phương đã hỗ trợ 800 triệu đồng - một quan chức chính phủ nói với CNN. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng chi trả tiền bảo hiểm, trị giá khoảng một nửa chi phí để mua tàu mới.

Bất chấp mối nguy hiểm hiện hữu trên thực tế ở vùng biển đánh cá, chủ tàu cá Việt Nam và các ngư dân quyết không nhân nhượng một tấc lãnh thổ. "Tất nhiên chúng tôi sẽ quay lại đảo Hoàng Sa. Đó là ngư trường truyền thống của Việt Nam, là khu vực đánh cá rất tốt của chúng tôi" - anh Biên nói.

Nguồn tin: Lao động

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại53,567
  • Tổng lượt truy cập41,234,168
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây