Tài xế chỉ "có ăn" khi ít trạm “làm luật”
Sắm được chiếc xe tải 3,25 tấn hiệu Huyndai hơn 1 năm qua, anh L.H. A (Người cung cấp thông tin xin được giấu tên), phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa thường xuyên vận chuyển hàng hoá dọc theo các tuyến đường QL 25, QL 14 từ thị xã Ayun Pa - Tp. Pleiku (Gia Lai) đến các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi… (Kon Tum).
Ngoài việc thường xuyên chở lúa, phân bón cho các đại lý bán hàng nông sản quen thuộc hay bất kỳ mặt hàng nào mà khách yêu cầu với giá vận chuyển thường dao động theo khoảng cách 100km tương đương 3 - 3,5 triệu đồng.
Đây là nguồn thu nhập mà nhiều người ao ước nhưng theo anh A: “Cánh tài xế chỉ “có ăn” sau mỗi chuyến hàng may mắn là gặp ít trạm “làm luật” hay cũng “làm luật nhưng nhẹ nhẹ” để anh em… “dễ thở” hơn.
“Tôi thường nhận chạy hàng từ thị xã Ayun Pa lên Tp. Pleiku với giá cước 3 - 3,5 triệu/chuyến; từ Ayun Pa lên Tp. Kon Tum là 4 - 4,5 triệu đồng/chuyến nhưng cũng chẳng còn được bao nhiêu. Anh thử tính xem chỉ chưa đầy 200km mà có 5-6 trạm CSGT thì cánh lái xe chỉ còn nước đói. Nhiều khi túng tiền, tài xế nào lên tiếng trả treo thì bị dính ngay biên bản phạt với bất kỳ lỗi gì có thể, thậm chí thu bằng lái.”.
CSGT trạm Hoà Bình "làm việc" với tài xế xe ô-tô mang BKS 82B-0537.
Cũng theo anh A, thường 1 chuyến xe từ thị xã Ayun Pa lên Tp. Kon Tum, cánh tài xế từ xe tải đến xe khách đều phải chung chi, làm luật với rất nhiều trạm CSGT như: chốt CSGT huyện Phú Thiện thường “làm luật” ngay dưới chân đèo Chư Sê thuộc địa phận xã Ayun Hạ; khi xe vượt qua khỏi đèo Chư Sê, cánh tài xế xe tải lại phải tiếp tục “làm luật” với trạm CSGT tỉnh Gia Lai ngay trên đỉnh đèo và đặc biệt là phải chuẩn bị “lộ phí” nhiều hơn khi gặp CSGT tại dốc Hàm Rồng (xã Chư H’Đrông, Tp. Pleiku); trạm CSGT quanh đồi Chư Pao (Thôn Tơ Vơi, xã Ia Khương, huyện Chư Păh) và đặc biệt là trạm CSGT tỉnh Kon Tum túc trực gần như 24/24 ngay trên QL 14 (xã Hoà Bình, Tp. Kon Tum) khu giáp ranh giới 2 tỉnh Gia Lai – Kon Tum.
Cần chốc lát để kiểm tra giấy tờ?
Làm nghề tài xế cũng lắm tréo ngoe, anh A vừa nhận một chuyến chở hàng phân bón từ thị xã Ayun Pa lên Tp. Kon Tum với giá cước 4,2 triệu đồng.
Trong trang phục phụ lái, suốt gần 1 tuần qua, nhóm PV chúng tôi xin theo nhiều chuyến xe vận tải hàng hoá đi dọc tuyến đường từ thị xã Ayun Pa đến Tp. Kon Tum để chứng kiến tình trạng ngang nhiên "làm luật" của các chiến sĩ CSGT?.
Người tài xế xe tải hiệu Huyndai mang biển kiểm soát 81L-18XX nhảy vội xuống xe rút sổ đăng kiểm "làm luật" ngay với 2 chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ tại xã Hoà Bình (Kon Tum)
Ngày 14/01, khi xe vừa đến chân đèo Chư Sê (huyện Phú Thiện – Gia Lai) và bị CSGT chặn lại, anh A cười mỉa mai “Đến lúc làm luật rồi đó!”. Anh mở ví lấy tờ tiền 100 nghìn đồng kẹp tiền vào sổ đăng kiểm rồi chạy đến trình giấy tờ.
Người kiểm tra là một CSGT khoảng 30 tuổi, da hơi ngăm đen không thèm chào hỏi một câu mà chỉ mất khoảng… một thời gian cực ngắn xem và trả lại ngay cho anh.
Thế là xe tiếp tục lăn bánh.
Theo cánh tài xế, việc làm luật khi bị CSGT chặn xe lại là tài xế hay phụ xe có trách nhiệm kẹp tiền vào sổ đăng kiểm với số tiền tuỳ theo từng trạm. Thông thường xe tải như IFA, Huyndai… phải làm luật 100-300 nghìn. Oái oăm hơn, đối với những chiếc xe tải nhẹ dưới trên dưới 1 tấn, dù xe không chở hàng thì tài xế cũng phải bấm bụng “làm luật” 30-50 nghìn đồng. Nếu không họ cũng bị các chiến sĩ CSGT hoạch hoẹ, hết đường làm ăn.
Khi xe vừa lên đỉnh đèo Chư Sê (xã H’Bông, huyện Chư Sê), anh A nhìn sang bên trái QL 25 thở phào “Chuyến này may quá được bớt đi 1 trạm!”. Chỉ vào 1 quán nước có cây trứng cá mát dịu trước sân, anh Phước cho biết trạm CSGT tỉnh Gia Lai thường đứng tại đây nhưng hôm nay không thấy chặn.
Mặc dù nói vậy nhưng anh lại móc ví lấy 3 tờ polymer, mỗi tờ 100 nghìn đồng tiếp tục kẹp vào sổ đăng kiểm. “Đây là khoản làm luật ở trạm Hàm Rồng – QL14. Trạm này mấy ông làm căng lắm nên cánh tài xế phải đóng gấp 2, gấp 3 lần các trạm khác.”.
Khi xe tải đến khu vực ngã 3 dốc Hàm Rồng (QL 14), tài xế A tiếp tục nhảy xuống xe chạy đến gặp CSGT “xuất trình giấy tờ” và quá trình “kiểm tra giấy tờ” trong thời gian cực ngắn, đối với trạm CSGT án ngữ ngay dốc Hàm Rồng, xã Chư H’Đrông, Tp. Pleiku (Gia Lai) cũng diễn ra chóng vánh như một lẽ thường tình…
Chưa đầy 10km, 2 trạm CSGT
Trên tuyến đường từ thị xã Ayun Pa đến Tp. Kon Tum, cánh tài xế ngán nhất là đoạn đường QL 14 khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Chỉ trong đoạn đường chưa đầy 10 km, cánh tài xế phải tiếp tục "làm luật" với 2 trạm liên tiếp nhau.
Một trạm của CSGT tỉnh Gia Lai thường chốt chặn quanh khu vực quán cơm 999, thôn Tơ Vơi, xã Ia Khương, huyện Chư Păh và 1 trạm ngay bên kia ranh giới địa phận xã Hoà Bình, Tp. Kon Tum (Kon Tum) là trạm CSGT tỉnh Kon Tum.
Để chứng kiến tình trạng "làm luật" của trạm Hoà Bình, một trong những trạm CSGT thường xuyên túc trực “bất kể nắng mưa, gió bão”, suốt buổi sáng 16/01/2014, được sự giúp đỡ của bà con nhân dân, nhóm PV chúng tôi có điều kiện ghi nhận lại 1 buổi làm việc “nhiệt tình” của các chiến sĩ CSGT tỉnh Kon Tum với phương tiện là 1 chiếc ô tô mang biển số số xe 82B-0537 túc trực đây và chặn tất cả xe tải, xe khách lưu thông trên tuyến đường này.
Khi đến địa phận xã Hoà Bình, xe tải hiệu Huyndai mang biển kiểm soát 81L-18XX bị CSGT ra hiệu dừng lại, người tài xế lái xe nhảy vội xuống xe rút sổ đăng kiểm và nộp ngay cho 2 chiến sĩ CSGT đang làm vụ.
Cầm quyển sổ đăng kiểm trên tay, một anh Thiếu uý CSGT lật ra rồi trả lại ngay cho tài xế. Cùng lúc đó, chiếc xe vận tải hành khách Hồng Anh (Đăk Lăk); xe khách Uyên Nhâm (BKS 38N-0681) và xe vận tải IFA (BKS 82K-0534) cũng tự động dừng lại chạy đến gặp CSGT để "nộp…" giấy như trên.
Tài xế xe mang BKS Lào khó hiểu trước cách làm việc của CSGT.
Chỉ trong chưa đầy 30 phút, hàng chục xe tải, xe khách lưu thông trên tuyến đường này phải dừng lại. Quy trình làm việc cũng cực kỳ đơn giản, tài xế rút sổ đăng kiểm rồi “nộp…” cuốn sổ cho CSGT xem qua rồi trả lại ngay…
Gần 11 giờ trưa cùng ngày, một chiếc ô tô mang biển kiểm sát của nước bạn Lào bị CSGT trạm Hoà Bình chặn lại. Người tài xế cũng đến trình giấy tờ nhưng anh CSGT dù đã xem rất kỹ nhưng vẫn không cho qua. Mặc dù đã nguỵ trang khá kỹ nhưng khi nhóm PV chúng tôi đưa máy ảnh, camera ghi lại hoạt cảnh này, 1 chiến sĩ CSGT đưa tay chỉ thẳng về phía ống kính báo chí…
(Còn tiếp)
Thanh Luận – Hải Dương