Cá phá ở bắc Tây nguyên

Thứ tư - 16/10/2013 10:20 1.648 0
Hai con sông lớn nhất vùng bắc Tây nguyên là sông Ba, sông Sê San ngoài tiềm năng thủy điện còn có nhiều sản vật, trong đó có loài cá phá.

 

Con cá phá nặng hơn 15 kg bị mắc câu - d
Con cá phá nặng hơn 15 kg bị mắc câu - Ảnh: Trần Hiếu

Ksor Minh, nhà ở xã Chư Mố, huyện Ia Pa (Gia Lai), đang chuẩn bị đồ để sáng mai cùng người làng đi dọc sông Ba câu cá phá. Tôi tò mò đưa máy hình lên chụp liền bị Minh gạt đi: “Không được đâu, lỡ chuyến câu không có cá là mọi người đền đấy. Để mình đi về đã, có cá hãy chụp hình...”.

Theo lời Minh, cá phá nằm ở tầng nước giữa. Đây là loài cá ngon mà người bản địa hay đánh bắt được. Nhưng vài ba năm trở lại đây cá hiếm dần do sông bị chặn dòng làm thủy điện, dân đánh bắt nhiều, môi trường thay đổi... Chuyến câu vài ngày trở về tay không là chuyện bình thường. Nhưng đôi khi gặp may, câu được những con cá phá nặng hơn chục kg, hay mới đây, một con cá phá nặng gần 18 kg đã mắc câu.

Cá phá có hình dạng tương tự cá trắm cỏ nhưng mình dài, thon hơn, có vảy lớn, đầu dẹp và đặc biệt có hai sợi râu dài mọc ở môi cá. Dân chài dọc sông Ba, sông Sê San săn cá phá bằng lưới hoặc đi câu. Mồi câu loại cá háu mồi này là giun, ốc hay món mà cá rất khoái là cá nhỏ. Không chỉ là món ngon, từ nhiều năm qua cá phá là đặc sản của vùng bắc Tây nguyên. Các món cá phá nấu măng rừng, nướng lá chuối chấm muối é, khô cá phá nướng... hay đơn giản là món cá kho cũng là một phần phong vị ẩm thực của vùng đất này.

Chuyến đi tìm cá phá của chúng tôi tưởng chừng “công cốc” thì thật may, ông Dương Xuân Đào, chủ một nhà hàng ở thị xã Ayun Pa (Gia Lai) cho biết vừa mua được hai con cá phá, mỗi con nặng hơn chục kg. Khúc cá phá chiên vàng ươm, để gần tràn chiếc đĩa lớn, thấy đã ngon mắt. Gắp một miếng thịt cá săn chắc chấm vào bát nước chấm cho vào miệng, vị thơm ngon khó cưỡng lan nhanh đầu lưỡi. Món lẩu cá phá hôm ấy cũng để lại dư vị khó quên. Đầu, đuôi cá nấu lẩu vừa ngọt nước lại có vị thơm của cá sông...

Điều đặc biệt mà những người câu cá ở đây thuộc nằm lòng là không bắt cá phá từ tháng mười đến đầu năm sau. Bởi lẽ, cá phá hay ăn những hạt mã tiền mọc dọc sông. Khi cá ăn loại hạt độc này, vảy sẽ ánh lên màu tím rất lạ. Ăn phải cá phá đã ăn hạt mã tiền trong khoảng thời gian này sẽ bị ngộ độc. Vậy nên cá phá còn có tên gọi khác là cá say.

Trần Hiếu

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,186
  • Tháng hiện tại48,684
  • Tổng lượt truy cập41,229,285
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây