Một tin tặc tự xưng Faisal 1337 từ Pakistan vừa ra tay tấn công Ngân hàng Canara của Ấn Độ giữa lúc quan hệ hai nước chưa nồng ấm.
Rút tiền ATM không cần thẻ
Tin tặc “viếng thăm” trang web của ngân hàng hôm 2-8, tìm cách ngăn chặn một số dịch vụ thanh toán điện tử và thu thập thông tin. Theo trangtechjuice.pk, tin tặc trên từng tấn công cả các trang web của cơ quan đường sắt Ấn Độ.
Dù Faisal 1337 chưa thực sự xâm nhập hoặc thu thập thông tin từ các trang web nói trên song vụ việc một lần nữa nêu bật tình trạng ngân hàng trở thành mục tiêu ưa thích của tin tặc, bất chấp động cơ đằng sau là gì.
Vào cuối tháng 7, một tin tặc tên Aaron Glende bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ vì cáo buộc gian lận ngân hàng và đánh cắp thông tin cá nhân. Nghi phạm sống tại TP Winona, bang Minnesota, tìm cách xâm nhập tài khoản của khách hàng Ngân hàng SunTrust, đánh cắp mật khẩu rồi bán thông tin cho người trả giá cao nhất. Theo nhà chức trách, những khách hàng này trở thành nạn nhân của Glende sau khi vô tình tải về máy tính virus từ một email độc hại.
Trước đó, vào đầu tháng 7, các tin tặc tại Đài Loan đã đánh lừa một mạng lưới ATM để rút 2 triệu USD. Đáng nói là bọn chúng không sử dụng thẻ ngân hàng mà chiếm quyền kiểm soát các máy ATM thông qua một “thiết bị kết nối”, có thể là một chiếc điện thoại thông minh.
Đài CNN dẫn lời cảnh sát cho biết vài người đeo mặt nạ đã tấn công hàng chục máy ATM của Ngân hàng First Bank. Các máy ATM bị nhiễm 3 chương trình độc hại khác nhau, khiến chúng “nhả tiền” và những kẻ tấn công xóa các bằng chứng phạm tội sau đó. Quá trình này diễn ra rất nhanh, chỉ tốn vài phút ở mỗi ATM. Nhà chức trách Đài Loan hiện truy tìm những nghi phạm được cho là đến từ Nga và Đông Âu.
Chứng kiến làn sóng tấn công nhằm vào ngân hàng đang tăng, ông Kennet Westby, đồng sáng lập Công ty Tư vấn an ninh mạng Coalfire (Mỹ), khuyên khách hàng cần biết rõ những phần mềm hoặc trang web tài chính đang sử dụng, cũng như cẩn thận khi chia sẻ thông tin trên mạng. Họ cũng được khuyến cáo nên cẩn trọng với những email có chứa các đường link hoặc những trang yêu cầu cung cấp thông tin, đồng thời tránh sử dụng WiFi công cộng.
Đánh cắp xe bằng máy tính
Xe hơi công nghệ cao cũng là “miếng mồi ngon” bởi tội phạm giờ đây không cần xuất đầu lộ diện vẫn có thể đánh cắp chiếc xe chỉ bằng máy tính xách tay. Người dùng có thể cảm thấy thuận tiện với các ứng dụng như Car-Net (giúp mở, khóa xe và nhiều tiện ích khác) của hãng xe Volkswagen. Tuy nhiên, mặt trái của ứng dụng là tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển chiếc xe từ xa ngay cả khi có người đang lái.
Đầu tháng 8, hai thanh niên là Michael Arce và Jesse Zelaya bị bắt tại TP Houston (Mỹ) vì sử dụng phần mềm máy tính ăn cắp hơn 100 chiếc xe nhờ vào khai thác một lỗ hổng điện tử. “Ngày càng có nhiều máy tính được lắp đặt trong xe. Nếu ai đó có kiến thức và khả năng, họ có thể thao túng hệ thống của xe” - sĩ quan cảnh sát Jim Woods tại TP Houston cảnh báo.
Trước đó, một đoạn video được đăng tải trên mạng vào đầu năm nay cho thấy những tên trộm sử dụng máy tính xách tay ăn cắp chiếc Jeep Wrangler đời 2010. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi hãng Fiat Chrysler Automobiles, công ty mẹ của Jeep, được cho là đang điều tra hơn 100 vụ trộm cắp xe bằng phương thức nói trên gần đây.
Số vụ trộm xe bằng công nghệ cao có thể còn tăng sau khi các nhà khoa học máy tính tại Trường ĐH Birmingham (Anh) trình diễn cách thức mở khóa “không dây” nhiều mẫu xe Volkswagen bán ra kể từ năm 1995.
Bên cạnh đó, theo trang Technology Review, bọn trộm xe có thể lợi dụng tính năng kết nối internet trên xe để thu thập dữ liệu quan trọng. Giám đốc điều hành hãng xe General Motors, bà Mary Barra, mới đây thừa nhận “các vụ tấn công ngày càng tinh vi hơn”, dù là bằng cách lừa đảo, dùng phần mềm gián điệp, phần mềm độc hại hoặc phần mềm đòi tiền chuộc.
Nguồn tin: NLĐ Online