Dạo qua một số tuyến đường trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa rất dễ gặp hình ảnh những người dân chở lan rừng ra bán. Hoa lan được bán theo kiểu cân ký. Nhiều loại lan quý, được mọi người ưa chuộng như: Nghinh xuân, Giả hạc, Đuôi chồn, Thủy tiên, Quế tím, Quế vàng… cũng được người dân săn lùng, bày bán như “rau” ở chợ.
Lan rừng được bày bán như “rau” ở chợ |
Giá cả những loại lan rừng giao động từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn, thậm chí lên đến hàng triệu đồng/kg… Điều đáng nói là khi thú chơi lan rừng ngày càng được nhiều người ưa thích thì việc “săn lùng” các loại lan để bán diễn ra rầm rộ, thu hút nhiều người tham gia, nhất là vào thời gian nông nhàn.
Được biết, để có được những nhánh lan rừng đẹp về bán, người đi lấy lan phải chuẩn bị cho mỗi chuyến đi kéo dài từ 3-4 ngày, thậm chí cả tuần lễ. Việc tìm lan cũng khá nguy hiểm và vất vả bởi lan rừng thường mọc trên những cây gỗ cao to, muốn lấy được chúng thì người hái phải leo trèo, thậm chí chặt bỏ những gốc cây to mới lấy được lan.
Một “thợ săn” lan rừng ở xã Trường Xuân (Đắk Song) cho biết: “Để có được những nhánh, bó lan rừng mang bán không phải chuyện dễ. Những người “thợ” như tôi phải vào tận trong rừng sâu của huyện Tuy Đức, Đắk Glong… để kiếm. Lan rừng thường bám vào những thân, cành cây đã khô và mục hay những cây cao trong rừng sâu nên việc lấy chúng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm”.
Người này cho biết thêm: “Trước đây khi phong trào chơi lan chưa nở rộ thì mỗi chuyến đi tôi có thể thu hàng chục kg bán ra cũng đủ trang trải cuộc sống. Thời gian gần đây, người săn lùng lan nhiều nên lan rừng ngày càng khan hiếm”.
Lan rừng sau khi khai thác về thì những loại lan cùng chủng loại, số lượng lớn sẽ được nhập về cho các nhà vườn chuyên kinh doanh lan rừng để xuất đi các tỉnh thành trong cả nước. Còn các loại nhỏ, lẻ được mang bán cho người chơi lan trên địa bàn.
Có thể thấy, thú chơi lan rừng mang đến cho người chơi thú vui tao nhã, những phút giây thư giãn sau thời gian làm việc mệt nhọc; đồng thời mang lại thu nhập không nhỏ cho những người khai thác và bán. Tuy nhiên, do nguồn lợi trước mắt và săn lùng ráo riết nên hiện nay một số loài lan rừng đã được liệt vào danh sách đỏ như: Lan Hài đuôi cuộn, Kim tuyến và nhiều loại lan quý khác bắt đầu giảm mạnh về số lượng.
Mặt khác, cùng với việc khai thác theo dạng tận thu, tận diệt làm cạn kiệt các giống lan rừng quý hiếm. Thiết nghĩ các ngành chức năng cần sớm có biện pháp để bảo tồn các loại lanrừng, tránh tình trạng suy giảm nguồn giống và dẫn tới nguy cơ tuyệt chủ các loại lan rừng trên địa bàn.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng