Kỳ 1: Thiếu nguồn lực đầu tư
Hệ thống giao thông ở bon Đắk R'moan, xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa) đang được hoàn thiện. Ảnh: Y Sơn |
GẦN NHƯ... “GIẪM CHÂN TẠI CHỖ”
Trong năm 2015, UBND tỉnh đã đặt ra mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi xã đạt thêm 2 tiêu chí trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM. Riêng 6 xã điểm của tỉnh, mỗi xã phấn đấu đạt bình quân 4 tiêu chí và 8 xã trong diện “tốp đầu” phấn đấu đến hết năm nay sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Tuy nhiên, đến hết tháng 6, bình quân chung của toàn tỉnh chỉ mới đạt khoảng 0,4 tiêu chí, bằng 5% mục tiêu, kế hoạch đề ra, mức thấp nhất từ trước tới nay. Với kết quả trên, tình hình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong những tháng đầu năm gần như đang “giẫm chân tại chỗ”.
Đức Minh (Đắk Mil) là 1 trong 8 xã trên địa bàn toàn tỉnh phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2015. Bước vào đầu năm nay, xã chỉ còn 3 tiêu chí trong số 19 tiêu chí chưa đạt chuẩn gồm giao thông nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa và trạm y tế xã. Nói là 3 tiêu chí nhưng thực chất, các tiêu chí trên đã gần đạt, chỉ còn gần 3 km giao thông nông thôn và giao thông nội đồng; 3 hội trường thôn cùng trạm y tế với tổng nhu cầu vốn khoảng 24 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Đình Hiển, Chủ tịch UBND xã Đức Minh thì đầu năm 2015, cơ quan chức năng của tỉnh đã về khảo sát và hứa sẽ bố trí đủ kinh phí cho xã để đầu tư các tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích đúng như kế hoạch. Tuy nhiên, đã hơn nửa năm, những tiêu chí trên vẫn chưa thể thực hiện vì ngoài tiền nhân dân đóng góp đối ứng làm đường thì kinh phí Nhà nước chưa được phân bổ.
Mới đây, xã có nhận được quyết định phân bổ vốn đầu tư hạ tầng nông thôn năm 2015 nhưng số vốn ít hơn rất nhiều so với kế hoạch ban đầu và chủ yếu để thanh toán nợ cho những công trình đã hoàn thành trong năm 2014. Những công trình dự kiến mở mới trong năm nay chưa có vốn bố trí. Vì thế, đến cuối năm, nếu phấn đấu ở mức cao nhất thì địa phương cũng gọi là đạt 19 tiêu chí theo kiểu gò ép.
Thiếu nguồn vốn đầu tư cũng là câu trả lời của hầu hết các xã khi giải trình về nguyên nhân lộ trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua chậm tiến độ. Tính đến nay, nguồn vốn Trung ương phân bổ cho chương trình này trong năm chỉ được khoảng 41 tỷ đồng, rải đều cho 61 xã; còn nguồn vốn của tỉnh phân bổ không đáng là bao.
Theo các địa phương, đa phần số vốn được bố trí đều để thanh toán nợ cho các công trình hoàn thành năm 2014. Thực tế cho thấy, ngoài những tiêu chí “cứng” đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn thì một số tiêu chí “mềm” như môi trường, an ninh trật tự... thời gian qua cũng chuyển biến rất chậm. Trong khi đây là những tiêu chí cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, nếu lơ là, chủ quan sẽ rơi vào tình trạng tụt lùi tiêu chí. Chưa kể đến, nhìn vào danh mục đầu tư cho nông thôn mới từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền, vận động tại các địa phương cũng đang thiếu tính quyết liệt.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nguồn vốn đầu tư cho chương trình này vẫn đang chủ yếu là nguồn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đóng góp trong nhân dân... Còn lại, một số nguồn như nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng đạt tỷ lệ rất thấp. Trong khi đó, theo cơ cấu “mềm” của Nhà nước đưa ra để làm cơ sở huy động cho chương trình thì vốn doanh nghiệp đóng góp chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư cho nông thôn.
Thế nhưng, trong 5 năm qua, nguồn vốn doanh nghiệp đóng góp cho các xã trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn với mức 2,2%. Bên cạnh đó, cùng với chính sách thắt chặt đầu tư công, cũng như những khó khăn của nền kinh tế, thời gian qua, vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cũng chiếm tỷ lệ 2,1%, chưa đáp ứng tối thiểu nhu cầu về quy hoạch, tổ chức bộ máy hoạt động...
Từ đây, nhiều địa phương cho biết, ngay cả kinh phí tuyên truyền cũng rất ít nên một số nhiệm vụ đặt ra không thực hiện được. Qua tìm hiểu ở các địa phương, nhiều ý kiến cho rằng không chỉ thiếu vốn mà ngay cả tinh thần vào cuộc của một số đối tượng trong hệ thống chính trị cũng chưa thực sự rốt ráo.
KHI NGƯỜI DÂN... “ĐÒI NỢ” NHÀ NƯỚC
Để cứng hóa hơn 1,1 km đường giao thông nội thôn, từ cuối năm 2014, gần 180 hộ dân thuộc thôn 10, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đã đóng góp gần 150 triệu đồng theo tỷ lệ đối ứng nhà nước 55%, nhân dân 45%.
Điều đáng nói, sau gần 1 năm đóng góp, đến nay, con đường mơ ước của các hộ dân nơi đây vẫn chưa được xây dựng vì phần vốn từ phía nhà nước chưa được phân bổ.
Mặc dù người dân đã đóng góp tiền nhưng do vốn đối ứng của Nhà nước chưa phân bổ nên con đường liên thôn 10, xã Nâm N'Jang vẫn chưa bê tông hóa. Ảnh: N.L |
Ông Trịnh Văn, Trưởng thôn 10 phân trần: “Tất cả bà con trong thôn rất mong mỏi có con đường mới để đi nên khi có chủ trương vận động thì người dân rất hưởng ứng. Sau khi các hộ đóng góp, nhà thầu đã tiến hành san ủi mặt bằng nhưng vì chưa có vốn đối ứng của Nhà nước nên không thể tiếp tục triển khai xây dựng. Trong nhiều lần họp thôn, bà con đã có ý kiến nhưng Ban tự quản thôn không còn cách nào khác ngoài việc động viên, trấn an bà con tiếp tục chờ đợi”.
Không riêng người dân thôn 10, theo ông Trịnh Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang thì đến nay, ngoài việc sẵn sàng hiến đất, cây trồng, người dân trong xã cũng đã chủ động đóng góp hơn 300 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn theo kế hoạch của huyện.
Mặc dù hồ sơ các công trình đã được xã trình cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa có vốn phân bổ. Vì người dân chờ đợi quá lâu nên xã cũng đang trong tình trạng “tiến thoái, lưỡng nan”, không triển khai được dự án nhưng trả tiền về cho dân lại càng không xong.
Qua tìm hiểu thực tế, việc người dân đã đóng góp tiền để gửi vào kho bạc, ngân hàng chờ phần kinh phí còn lại của nhà nước để làm đường đang khá phổ biến. Chỉ tính riêng địa bàn huyện Đắk R’lấp, từ cuối năm 2014 đến nay, vốn đóng góp của người dân tại 10 xã trên địa bàn để chờ làm đường giao thông là hơn 100 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thể thực hiện dự án. Có nhiều nơi, do đợi quá lâu, người dân kiến nghị, chính quyền xã trả lại tiền đã huy động, chờ khi nào có vốn nhà nước mới đi huy động lại.
Ông Nguyễn Tạo, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo cho biết: “Vừa qua, chính quyền xã đã tiến hành trả lại hơn 180 triệu đồng cho người dân tại thôn 6 và thôn 7 vì chờ mãi vẫn không làm được đường. Dù biết việc trả lại tiền cho người dân thì sau này rất khó vận động lại nhưng thực tế như vậy, xã cũng đành theo ý dân”.
Ông Phạm Quang Vượng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Đắk R’lấp cho biết, theo đề án quy hoạch nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020 thì nguồn vốn đầu tư cho địa phương là gần 1.957 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là gần 468 tỷ đồng. Nếu đáp ứng được nguồn vốn này thì đến năm 2020, Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện xem như cơ bản thành công. Vậy nhưng, với đà này, mục tiêu trên rất khó thực hiện vì nguồn vốn đầu tư quá ít.
Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn đầu tư cho địa phương dự kiến là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó, vốn người dân và doanh nghiệp đóng góp là 900 tỷ đồng, còn lại là ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, theo nhu cầu thực tế địa phương đăng ký hàng năm thì ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng được từ 20 đến 30% vốn so với nhu cầu. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp cũng không đáng kể.
Để thực hiện lộ trình xây dựng NTM theo đề án đã phê duyệt, theo tính toán, bình quân mỗi xã cần khoảng 450 tỷ đồng để thực hiện đạt chuẩn 19 tiêu chí về NTM. Chưa nói đến nguồn vốn cho tổng thể chương trình, chỉ riêng nguồn vốn giao thông nông thôn, trong năm 2014, tổng nhu cầu vốn đăng ký của các huyện khoảng hơn 700 tỷ đồng.
Qua thẩm định, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch vốn hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm, nguồn vốn bố trí thực tế chỉ được khoảng 90 tỷ đồng do nguồn thu tiền sử dụng đất không đạt. Trong năm 2015, nguồn vốn cho chương trình này của tỉnh cũng không khá hơn là bao, còn nguồn vốn từ Trung ương chủ yếu để bố trí thanh toán dự án đã hoàn thành. Vì vậy, việc đáp ứng nguồn vốn theo nhu cầu đăng ký của nhân dân là rất khó.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về NTM của tỉnh, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã huy động đầu tư vào khu vực nông thôn ước khoảng hơn 5.521 tỷ đồng (chưa tính vốn tín dụng thương mại). Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp là hơn 118 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 116 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 1,7 tỷ đồng), chiếm 2,1%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là hơn 3.833 tỷ đồng, chiếm 69,4%; vốn doanh nghiệp là hơn 119 tỷ đồng, chiếm 2,2%; vốn tín dụng 160 tỷ đồng, chiếm 2,9%; vốn người dân đóng góp bằng tiền, ngày công và hiến đất là hơn 1.290 tỷ đồng, chiếm 23,4%; con em xa quê đóng góp khoảng 43 tỷ đồng. | ||
Đức Diệu - Nguyễn Lương
Nguồn tin: Báo Đăk Nông