Cần giao quyền để người dân giám sát các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng ở địa phương

Thứ sáu - 12/08/2016 04:26 1.526 0
Hiện nay, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản có chiều hướng gia tăng. Theo quy định của pháp luật thì các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng từ ngân sách nhà nước, vốn ODA... đều phải có lực lượng tham gia giám sát việc thi công công trình. Tuy nhiên, các sai phạm, tiêu cực trong xây dựng cơ bản vẫn không giảm mà có xu hướng ngày càng tăng.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác giám sát công trình chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Thậm chí nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao thực hiện chức năng giám sát đã bắt tay với chủ đầu tư, đơn vị thi công bớt xén vật liệu, thi công cẩu thả, không đúng thiết kế, không bảo đảm quy trình, chất lượng... để trục lợi, tham nhũng. Điều này làm cho các công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, thậm chí không sử dụng được.

Có thể khẳng định rằng không ai, cơ quan, đơn vị nào thực hiện công việc giám sát hiệu quả bằng sự giám sát của người dân và chính quyền sở tại nơi có công trình đang thi công (giám sát cộng đồng). Điều này đã chứng minh trên thực tế, đó là các công trình cơ sở hạ tầng có sự tham gia giám sát của người dân thì rất hiệu quả; thất thoát, lãng phí, tiêu cực ở mức rất thấp, gần như không đáng kể.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì chỉ những công trình phục vụ dân sinh, liên quan trực tiếp đến người dân, công trình nhà nước và nhân dân cùng làm, công trình nhỏ như đường giao thông liên thôn, liên xã, công trình nước sạch phục vụ người dân địa phương thì mới có giám sát cộng đồng. Đối với các công trình lớn khác như cầu, cống, quốc lộ, tỉnh lộ, công trình do tư nhân đầu tư xây dựng hoặc người dân không hưởng lợi trực tiếp thì không giao trách nhiệm giám sát cho người dân hoặc chính quyền cơ sở nơi có công trình thi công.

Vì vậy, khi xảy ra thất thoát, sai trái hoặc vi phạm pháp luật của chủ đầu tư, đơn vị thi công thì người dân, chính quyền địa phương không thể can thiệp, tham gia ý kiến hoặc tố giác vi phạm, vì họ không có thẩm quyền. Trường hợp người dân tố giác cũng không ai tiếp nhận đơn thư, phản ánh hoặc thụ lý giải quyết thỏa đáng, nếu chính quyền địa phương kiến nghị thì rất ít khi các đơn vị liên quan tiếp thu vì cho rằng chính quyền cơ sở không có thẩm quyền. Ngược lại, trong trường hợp có vướng mắc, tranh chấp phát sinh giữa người dân địa phương với các đơn vị thi công thì chính quyền rất khó có cơ sở thụ lý giải quyết, vì không thuộc thẩm quyền.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quy định việc giao quyền giám sát các công trình, cơ sở hạ tầng cho người dân, chính quyền cơ sở nơi có các công trình, cơ sở hạ tầng đang thi công, không phân biệt công trình gì, ai đầu tư, trừ các công trình liên quan đến quốc phòng - an ninh, các công trình còn lại là người dân có quyền giám sát, tham gia ý kiến. Điều này góp phần tích cực trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực và bảo đảm, nâng cao chất lượng công trình, cơ sở hạ tầng ở nước ta.

Vĩnh Linh


Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: xây dựng
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập74
  • Hôm nay1,311
  • Tháng hiện tại48,809
  • Tổng lượt truy cập41,229,410
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây