Ông Đậu Hoàng Anh, cán bộ Công ty Simco Sông Đà bị đánh bầm dập - Ảnh: Người lao động cung cấp |
Theo đơn kêu cứu gửi tới Báo Thanh Niên ngày 6.10, cuối tháng 7.2015, 55 lao động (LĐ) VN được Công ty Simco Sông Đà đưa sang tỉnh Khenchela (Algeria) làm việc tại công trường xây dựng do Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) làm chủ thầu.
Hợp đồng ký kết giữa LĐ và chủ sử dụng lương trả theo công nhật, mỗi ngày làm 8 giờ, với mức lương 550 USD/tháng. Nếu làm thêm 2 giờ/ngày, LĐ sẽ nhận được mức lương 650 USD/tháng.
Tuy nhiên, theo lời các LĐ, sau 1 tháng thử việc, chủ sử dụng áp định mức 21 m2/ngày đối với thợ trát và 14 m2/ngày đối với thợ ốp lát. Anh em công nhân không đồng ý vì phía chủ sử dụng Trung Quốc ép khoán trong khi hợp đồng không có mục làm khoán. Vì không thống nhất mức khoán nên ngày 15.9, các LĐ VN đã đình công chờ giải quyết.
Tối 16.9, khi các công nhân VN vừa ăn cơm xong, một nhóm 40 công nhân Trung Quốc đến bắt ông Đậu Hoàng Anh, cán bộ phụ trách LĐ của công ty. Chỉ ít phút sau, hơn 200 công nhân Trung Quốc tay cầm hung khí, gậy gộc lao vào tấn công, đánh LĐ VN tới tấp.
Kể lại sự việc qua điện thoại, anh Đào Ngọc Cường (quê Hà Nam) vẫn chưa hết sợ hãi: “Anh Hoàng Anh bị đánh, gục ngay tại chỗ. Còn chúng tôi, sợ hãi cố thủ trong phòng đóng kín cửa. Dưới sự chỉ đạo của một phó đốc công, những người Trung Quốc hung hãn lao vào đập nát các cửa kính, ném gạch đá tới tấp vào bên trong phòng trọ khiến một số LĐ bị thương. Cả đêm hôm đó, chúng tôi nơm nớp sống trong sợ hãi, vì họ dọa giết các LĐ VN nếu đi ra ngoài”.
Đến hôm sau, người của công ty đến bắt 7 LĐ xuống nhà ăn của Trung Quốc thẩm tra và dùng gậy gộc đánh, khiến anh Đào Ngọc Cường bị thương nặng. Phía công ty còn tuyên bố những ai không đi làm sẽ cắt cơm, cắt điện nước. Điều mà các LĐ lo lắng nhất là visa 3 tháng sắp hết hạn. Nếu không cấp visa mới, rất có thể các LĐ bị bắt vì cư trú bất hợp pháp. Trong khi, LĐ Trung Quốc tiếp tục đe dọa tấn công các LĐ VN vào đêm ngày 6.10 (giờ địa phương).
Anh Đào Ngọc Cường với nhiều vết thương trên người - Ảnh: Người lao động cung cấp |
Công ty xuất khẩu lao động can thiệp chậm chạp
Sự việc xảy ra đã hơn nửa tháng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo lời thân nhân các LĐ VN, khi đến gặp, công ty luôn từ chối và bao biện không có sự việc trên xảy ra. Điều đáng nói trong văn bản báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước ngày 25.9, Công ty Simco cho rằng chủ sử dụng phái công nhân xuống là để bảo vệ ông Đậu Hoàng Anh. Việc LĐ bị đánh là không có, chỉ có 3 LĐ VN bị thương là do khi ẩu đả mảng kính văng vào. Quá bức xúc, người nhà các LĐ đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng để đưa LĐ về nước.
Tại buổi làm việc với PV Thanh Niên ngày 6.10, ông Đỗ Văn Hải, Phó giám đốc Trung tâm xuất khẩu lao động số 3 (Công ty Simco Sông Đà) lại đổ lỗi cho người LĐ tự thỏa thuận mức khoán với chủ sử dụng LĐ. Ông Hải thừa nhận trong số người bị đánh có cả đại diện của công ty. Sự việc xảy ra là do người đại diện công ty đã không làm tròn trách nhiệm giải thích rõ cho người LĐ về thỏa thuận khoán việc.
Ông Hải còn cho biết phía chủ sử dụng Trung Quốc đã thu sim điện thoại của 7 LĐ bị cách ly với mục đích cắt đứt liên hệ với các công nhân khác. “Hành động như vậy là sai nên chúng tôi đã yêu cầu chủ sử dụng cấp lại sim, nối mạng”, ông Hải nói.
Về hướng giải quyết vụ việc, ông Hải cho biết công ty đã cử thêm cán bộ sang Algeria, đồng thời cam kết trong thời gian xác minh vụ việc, sẽ không xảy ra đánh đập từ phía chủ sử dụng LĐ và không bỏ đói người LĐ. Nếu chủ sử dụng cắt cơm, đại diện công ty sẽ đảm bảo cung cấp đủ thức ăn cho LĐ để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, phản ánh tới PV Thanh Niên, anh Tô Văn Khương (người nhà của một LĐ) cho hay, đến tối qua (6.10), công nhân vẫn bị bỏ đói.
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay người LĐ không hề sai khi nghỉ làm vì không thỏa thuận được mức lương. “Lỗi của công ty là chưa quyết liệt xử lý vụ việc, dẫn đến gây bức xúc cho người LĐ”, ông Hương khẳng định.
Ngay trong tối qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã có công văn gửi Đại sứ quán (ĐSQ) VN tại Algeria đề nghị phối hợp giải quyết vụ việc, xác minh làm rõ việc LĐ VN bị đánh đập. Để đảm bảo an toàn cho hơn 50 LĐ, tránh xảy ra tình trạng xô xát, Cục yêu cầu Công ty Simco Sông Đà phối hợp với ĐSQ có biện pháp chữa trị kịp thời cho những LĐ bị thương và đảm bảo điều kiện ăn uống đầy đủ cho các LĐ; đồng thời, yêu cầu lãnh đạo công ty phải sang làm việc với chủ sử dụng LĐ và người LĐ để thống nhất mức khoán phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người LĐ theo hợp đồng đã ký kết. Theo ông Phạm Viết Hương, hiện có khoảng 2.400 LĐ VN đang làm việc tại Algeria. |