“Các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành chưa quản lý được đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; tình trạng nợ, chậm đóng BHXH còn phổ biến; quy định về điều kiện hưởng lương hưu, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ chưa tạo được sự bình đẳng…”. Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB-XH, nhìn nhận như vậy tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Luật BHXH vừa tổ chức tại TP HCM.
Người lao động bị thiệt thòi
Theo Vụ BHXH, hiện có rất nhiều doanh nghiệp (DN) lách luật để không phải đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) bằng cách ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 1 tháng đến 2 tháng; sau đó ký tiếp 1 - 2 tháng nữa. Việc làm này khiến quyền lợi của NLĐ thiệt thòi khi bị ốm đau, tai nạn lao động… Liên quan đến quy định xử phạt, ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho rằng mức xử phạt theo quy định hiện hành chưa đủ sức răn đe nên DN ngang nhiên vi phạm, chấp nhận xử phạt để trốn đóng BHXH cho NLĐ.
Về việc chuyển tiếp thời gian tham gia BHXH trong trường hợp NLĐ có thời gian tham gia công tác liên tục ở khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995 (ngày Bộ Luật Lao động có hiệu lực), luật quy định nếu NLĐ chưa được giải quyết chế độ thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đóng BHXH. Theo các đại biểu, quy định này thực tế gặp nhiều rắc rối như làm sao để xác định NLĐ đã nhận trợ cấp hay chưa nếu các đơn vị trước đã giải thể, sáp nhập…
Quy định về chế độ thai sản cũng được các đại biểu quan tâm. Ông Bùi Thanh Nhân cho rằng khi lao động nữ sinh con, không có người thân chăm sóc thì đương nhiên người chồng phải chăm sóc, luật không quy định nhưng chắc chắn khi vợ sinh, chồng phải nghỉ việc để chăm sóc vợ, sao không quy định để người chồng được nghỉ trong thời gian này?
Phải sửa đổi
Tuy cũng có ý kiến không đồng tình nhưng ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, cho rằng để khắc phục tình trạng DN lách luật trốn đóng BHXH, Luật BHXH sửa đổi quy định chỉ cần NLĐ ký HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên (trước đây là 3 tháng) thì phải tham gia BHXH bắt buộc. Đại diện BHXH tỉnh Tiền Giang cũng góp ý: Hiện nay luật không đưa chủ sử dụng lao động vào đối tượng bắt buộc tham gia BHXH. Quy định này gây nhiều hệ quả rất thiệt thòi, bất công cho họ.
Một thực tế khác là hiện nay rất nhiều trường hợp NLĐ có đóng BHXH đầy đủ nhưng chủ DN chiếm dụng và chỉ khi DN bỏ trốn hoặc phá sản thì NLĐ mới biết. Các đại biểu cho biết những DN này đa số thuê nhà xưởng hoặc nhà xưởng đã thế chấp ngân hàng. Khi bỏ trốn, ngân hàng vào xiết nợ, không còn tài sản bảo đảm thực hiện quyền lợi cho NLĐ. Bị chiếm đoạt tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, NLĐ không biết kêu ở đâu! Nên chăng, luật cần có quy định chặt chẽ hơn về điều này; thậm chí nên thành lập các ngân hàng dự phòng để giải quyết nợ lương, nợ BHXH khi DN bỏ trốn.
Các đại biểu cũng đề nghị đối với quy định chuyển tiếp thời gian tham gia BHXH cho NLĐ nghỉ việc trước năm 1995 mà chưa nhận trợ cấp một lần thì cần đơn giản, dễ thực hiện, không gây khó khăn cho NLĐ. Đặc biệt, đối với quy định “chồng nghỉ hưởng BHXH để chăm sóc vợ sinh con” cũng được nhiều đại biểu tán thành. Các đại biểu cho rằng nên cho phép người chồng được nghỉ ít nhất 1 ngày khi vợ sinh con.
Theo Vụ BHXH, để hạn chế việc DN vi phạm Luật BHXH, ngoài việc phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, DN còn phải đóng số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng gấp 2 lần lãi suất ngân hàng. |
Nguồn tin: NLĐ Online