Giảm 60 tiết đào tạo
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, đến nay về cơ bản, các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý những nội dung dự thảo mà Tổng cục Đường bộ đang xây dựng. Nếu được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông qua thì chậm nhất trong tháng 9-2015 sẽ chính thức triển khai chương trình đào tạo, sát hạch và cấp GPLX số tự động cho người có nhu cầu. “Tuy nhiên, GPLX này không có giá trị thay thế các loại giấy phép lái xe hiện hành” - ông Quyền nhấn mạnh.
Chương trình học và thi GPLX số tự động sẽ được rút ngắn hơn, giảm khoảng 60 tiết học so với đào tạo lái xe số sàn. Người học có quyền lựa chọn: Học và thi lấy GPLX thông thường như hiện nay hoặc chỉ học và thi lấy GPLX số tự động. Tuy nhiên, nếu có GPLX số sàn thì được phép lái cả xe số tự động, còn có GPLX số tự động thì chỉ được phép lái xe số tự động mà thôi. GPLX số tự động cùng chủng loại như GPLX hiện hành nhưng mặt sau ghi chú rõ: “Chỉ được lái xe số tự động”.
Về chi phí đào tạo, ông Quyền cho biết mức chi phí cụ thể sẽ do các trung tâm đào tạo, sát hạch tính toán và công bố công khai nên chưa thể khẳng định là sẽ rẻ hơn hay đắt hơn so với mức học lái xe số sàn hiện nay bởi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện một số nước trên thế giới cũng đã áp dụng chế độ 2 loại GPLX, một loại GPLX chung cho cả số sàn và số tự động và một loại GPLX chỉ dành cho số tự động. Tuy nhiên, cũng có không ít quốc gia không chấp nhận loại GPLX số tự động, trong đó nhiều quốc gia thuộc Công ước Vienna mà Việt Nam tham gia.
Đổi GPLX qua đường bưu điện
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm việc với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để triển khai dịch vụ đổi GPLX cũ bằng giấy sang GPLX bằng nhựa PET. Theo đó, người có nhu cầu đổi GPLX chỉ cần đưa GPLX gốc, giấykhám sức khỏe cho nhân viên bưu điện và chụp ảnh chân dung tại đây. Các điểm bưu điện tại xã, phường sẽ tiếp nhận hồ sơ của người muốn đổi và gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc các sở GTVT. Khi có GPLX, bưu điện sẽ chuyển về tận nơi làm việc, sinh sống của người đổi GPLX.
“Việc đổi GPLX thông qua mạng internet sẽ được triển khai đồng loạt trên toàn quốc từ ngày 30-6, sau khi đã làm thí điểm ở Hà Nội và TP HCM. Hiện có 50% người đổi GPLX thực hiện khai báo thông tin qua mạng và chỉ phải đến cơ quan cấp giấy tờ này 1 lần để chụp ảnh, đối chiếu hồ sơ và mất tối đa 2 giờ sẽ nhận được GPLX mới.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện đã có gần 3 triệu GPLX ô tô được đổi, chiếm 72%. Dự kiến, trong năm 2015 sẽ đổi xong toàn bộ GPLX ô tô. Còn với xe máy, hiện có khoảng 4 triệu/31 triệu GPLX đã được đổi, chiếm khoảng 12%. Đến hết năm 2020, đổi hết số GPLX xe máy còn lại.
Cấp GPLX quốc tế từ tháng 8-2015
Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ và Công ước về biển báo - tín hiệu đường bộ (gọi tắt là Công ước Vienna) sẽ chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 20-8.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết GPLX quốc tế sẽ được cấp vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9-2015 trên toàn quốc. GPLX quốc tế được phát hành theo quy chuẩn của quốc tế với hình thức là dạng quyển giống như hộ chiếu hiện nay. GPLX này có giá trị sử dụng lưu hành hợp pháp tại 85 quốc gia tham gia Công ước Vienna. Trên GLPX in 4 thứ tiếng cơ bản là Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng của nước cấp GPLX. GPLX quốc tế có thời hạn theo quy định chung của công ước từ 1-3 năm.
Nguồn tin: NLĐ Online