|
Hầu hết các vườn cà phê trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt năng suất cao vì nông dân chưa chú trọng đến nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc |
Cà phê trồng mới vẫn tăng lên Ðược coi là một cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp, nhưng hiện cây cà phê vẫn chưa có sự phát triển nào vượt bậc trong việc nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập, sản xuất bền vững. Theo thống kê, diện tích cà phê của tỉnh hiện đã trên mức 114.700 ha, với sản lượng khoảng 210.000 tấn/năm. Trong khi chưa “nâng tầm” được chất lượng thì việc tăng lên về diện tích hàng năm đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại như tình trạng xâm canh đất rừng, khai thác nước ngầm, nước mặt quá mức…
Mặc dù từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp đã liên tục khuyến cáo các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng mới cây cà phê mà tập trung đầu tư thâm canh, nhưng hàng năm diện tích cà phê trồng mới vẫn tăng lên. Cụ thể năm 2011, diện tích cà phê trồng mới toàn tỉnh là hơn 1.100 ha, năm 2012 là 617 ha và trong năm 2013 này, hiện cũng đã “kịp” trồng thêm được khoảng 1.400 ha.
Cụ thể như tại huyện Tuy Ðức, theo ông Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì trong mùa mưa này, diện tích cà phê trồng mới của huyện là 654 ha. Trong đó, riêng xã Quảng Tân nông dân cũng đã trồng tới trên 300 ha. Ðiều đáng nói là nhiều hộ không chú trọng nhiều vào chất lượng nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc, làm cho cây trồng phát triển kém.
Việc tăng nhanh diện tích cà phê trồng mới cũng làm cho ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương ở huyện Ðắk R’lấp lo ngại. Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Ðắk R’lấp thì diện tích cà phê trồng mới được thống kê ở các xã, thị trấn trong năm nay đã ở mức 287 ha. Qua các lớp tập huấn, hội thảo, địa phương cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền về sử dụng các giống cà phê mới đã được cơ quan chuyên môn công nhận cũng như thực hiện trồng cây che bóng, chắn gió cho vườn cây, nhưng thực tế việc nông dân thực hiện như thế nào thì chưa thể nắm rõ được.
Chưa có thương hiệu Dù đã có nhiều đợt xúc tiến đầu tư được tỉnh, ngành chức năng tổ chức với quy mô lớn nhỏ khác nhau để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê, gắn với việc xây dựng thương hiệu cho cà phê Ðắk Nông, nhưng hiện nay, tỉnh vẫn chưa có thương hiệu cà phê nào có tiếng.
Ðắk Mil được biết đến là vùng trồng cà phê nổi tiếng và có chất lượng hạt thơm ngon của tỉnh, hiện có hơn 21.000 ha, sản lượng bình quân 45.000 tấn/năm. Huyện cũng đã có một số cơ sở chế biến cà phê với các nhãn hiệu như cà phê Ðức Tín ở xã Ðức Mạnh, hay cà phê Hoàng Gia Phát, cà phê Minh An-Ðức Lập ở xã Ðức Minh. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những hạn chế về máy móc, công nghệ chế biến nên vẫn đang dừng lại ở những thương hiệu nhỏ. Vì vậy, việc kêu gọi các nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy chế biến cà phê bột hiện đại để nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu có tiếng đang được huyện xúc tiến.
Theo ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT thì mặc dù đã xác định là cây trồng chủ lực, đưa vào trong chương trình nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đến nay, tỉnh vẫn chưa có được quy hoạch chi tiết về phát triển cây cà phê, để chỉ ra những vùng nào có thể trồng cà phê đạt hiệu quả cao, vùng nguyên liệu trọng điểm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng chưa kiểm soát được chất lượng cà phê; còn các cơ sở, đại lý thu mua thường mua theo kiểu cào bằng nên cũng chưa khuyến khích được nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.
Bài, ảnh: Hồng Thoan