Tổ hợp lai 12 có thể cho nhiều nhánh hoa cùng lúc - Ảnh: Chí Nhân |
Dẫn phóng viên đi thăm vườn lan, TS Hà Thị Loan, Trưởng phòng Thực nghiệm cây trồng tự hào giới thiệu: "Hiện nay chúng tôi đã lai tạo được 34 cặp (tổ hợp lai). Đây là những giống lan được lai theo phương pháp truyền thống. Ở đây, chúng tôi cho lai giữa các giống lan ngoại với nhau và giữa lan rừng VN với các giống lan ngoại. Mục đích là chọn ra những điểm ưu việt của từng dòng để kết hợp với nhau tạo thành những giống mới thật sự nổi bật, mang tính trạng trội của cả bố lẫn mẹ".
TS Loan chỉ vào một dòng lan mới thuộc tổ hợp lai số 12, cho biết đây là giống lan được lai giữa 2 dòng ngoại nhập với nhau. Sản phẩm này có đặc điểm nổi bật là có thể ra nhiều phát hoa (nhánh hoa) trong cùng một lần ra hoa, trên cùng một giả hành (thân cây). Điểm nổi bật của nó nằm ở chỗ, một cây có thể ra đến 12 nhánh hoa trong suốt quá trình sinh trưởng và cùng một lúc có thể có đến 6 nhánh hoa. Trong khi đó, giống lan bố mẹ chỉ có thể ra tối đa là 4 nhánh hoa trong suốt quá trình sinh trưởng. Thứ nữa, hoa của nó có màu sắc nổi bật và thời gian ra hoa kéo dài hơn giống bố mẹ. Giống mới này cao trên 1 m và đường kính thân trung bình là 2 cm; trong khi đó bố mẹ đường kính chỉ có từ 1,3 - 1,5 cm và chiều cao tối đa 0,6 m.
Thạc sĩ Phan Diễm Quỳnh, Phó trưởng phòng Thực nghiệm cây trồng bổ sung thêm: Cây lan này còn có một ưu điểm khác là không bị tuột lá chân nên về tổng thể khi nhìn vào cây lan chúng ta thấy nó xanh tốt từ trên xuống dưới rất đẹp mắt. Do vậy, giống lan này rất thích hợp cho việc trồng để cắt cành hoặc trồng ghép vào chậu to. "Hiện tại chúng tôi đang làm hồ sơ để công nhận giống mới để nó được thương mại hóa. Nếu mọi chuyện tiến triển thuận lợi, trong khoảng nửa năm tới giống lan mới này sẽ được chính thức đưa ra thị trường" - thạc sĩ Quỳnh nói.
Một tổ hợp lai khác cũng đang chuẩn bị được thương mại hóa mang số 385. Giống lan này có ưu điểm lai là màu sắc đẹp, ra nhiều nhánh hoa cùng lúc, ra hoa nhiều lần trong năm, bộ lá đẹp, thân cao vừa phải nên thích hợp chơi chậu.
TS Loan cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập, trung tâm đã sưu tập các giống lan về đây để bảo tồn nguồn gien, đặc biệt là các giống lan rừng VN. Sau đó thực hiện lai tạo để tạo ra những tổ hợp lai (giống mới) mang những tính trạng trội của cả bố lẫn mẹ. Cây lan ngoại thường có hoa to, nhiều hoa, màu sắc đẹp, có thể ra hoa nhiều lần trong năm. Còn cây lan rừng VN có ưu điểm nổi trội về hương thơm. "Chính vì vậy chúng tôi đặc biệt chú trọng việc tạo ra các giống mới bằng cách cho lai giữa lan rừng với lan ngoại để có thể chọn lọc được các tính trạng trội của cả 2. Điều này sẽ tạo thêm sự hấp dẫn của cây lan đối với dân chơi hoa và phát huy được ưu thế riêng cho cây lan VN trong việc lai tạo giống mới" - TS Loan chia sẻ.
Các giống mới đều được lai tạo theo phương pháp truyền thống nên mất khá nhiều thời gian, trung bình 4 - 5 năm. Hiện nay Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM đang áp dụng các phương pháp lai hiện đại là lai đột biến bằng phương pháp chiếu xạ và lai chuyển gien. "Chúng tôi đang trong quá trình thực hiện và chờ kết quả cụ thể" - TS Loan cho biết.