|
Ali Hussein Kadhim lẽ ra không còn sống để kể lại câu chuyện về vụ thảm sát hàng trăm binh sĩ Iraq ở thành phố Tikrit hồi tháng 6. Tuy nhiên, vào ngày định mệnh đó, binh sĩ 23 tuổi này đã ngã xuống giả chết trong đống thi thể của đồng đội sau khi viên đạn dành cho anh may mắn sượt qua đầu, khởi đầu cho cuộc hành trình 23 ngày chạy trốn khỏi địa ngục IS. Kadhim, một người sống sót hiếm hoi trong các vụ xử tử của IS, đã kể lại câu chuyện của mình cho tờ The New York Times trong bài báo đăng tải ngày 3.9.
Ăn cỏ, sâu bọ khi chạy trốn
Theo The New York Times, Kadhim là một người lính Iraq theo dòng Shiite bị bắt cùng với hàng trăm đồng đội khác khi đang chạy khỏi trại Speicher, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở Tikrit, lúc IS tấn công thành phố này. Sau khi bị dẫn giải về một căn cứ ở Tikrit, các binh sĩ được phân loại theo dòng Hồi giáo. Những người Sunni được ban cho cơ hội bày tỏ sự ăn năn về việc từng hợp tác với chính phủ, còn những người Shiite lãnh án tử và bị xếp đứng theo từng hàng.
Kadhim đứng ở vị trí thứ 4 trong hàng. Khi đội hành quyết bắn người đầu tiên, máu văng lên mặt Kadhim. Lúc anh cảm thấy viên đạn sượt qua đầu liền ngã sấp xuống một cái rãnh mới đào. Lát sau, một tay súng kiểm tra đống thi thể và thấy một người lính bị bắn vẫn còn thở, định bồi thêm đạn, nhưng một tên khác nói:
“Hãy để hắn đau đớn. Hắn là một kẻ Shiite tà đạo. Hãy để hắn chảy máu”.
“Vào lúc đó, ý chí sống sót trong tôi bùng lên mãnh liệt”, Kadhim chia sẻ. Anh đợi trong khoảng 4 giờ đồng hồ cho đến khi bóng tối và sự im lặng bao trùm. Ở cách đó chừng 100 m là bờ sông Tikrit. Sau khi bò tới bờ sông, ẩn mình trong đám lau sậy, anh phát hiện một người bị thương nặng tên Abbas, là tài xế ở trại Speicher bị bắn và xô xuống sông. Kadhim ở cùng Abbas 3 ngày. Anh ăn sâu bọ và cỏ để sống, còn Abbas thì quá đau đớn nên không thể di chuyển hoặc ăn gì. “Đó là 3 ngày trong địa ngục”, Kadhim kể. Khi Kadhim vạch kế hoạch đào thoát, Abbas đã cầu xin anh quay trở lại cứu mình và nếu không thể thì ít nhất hãy kể lại câu chuyện. “Hãy giúp mọi người biết chuyện gì xảy ra ở đây”, Abbas nói.
Theo The New York Times, Kadhim là một trong số ít ỏi những nhân chứng sống của vụ thảm sát nói trên. Câu chuyện được xác nhận bởi một thủ lĩnh bộ lạc dòng Sunni từ tâm đã giúp anh chạy trốn xuống miền nam Iraq.
Theo tuyên bố của IS, có ít nhất 1.700 binh sĩ Iraq đã bị giết trong vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử gần đây của Iraq.
Vỡ mộng thánh chiến
Việc hành hình công khai diễn ra hầu như hằng ngày tại các khu vực bị chiếm đóng, theo lời kể của một nhân chứng khác từng là chiến binh IS. “Mục tiêu chính yếu mà IS nói với các thành viên mới gia nhập là thiết lập một nhà nước Hồi giáo bao trùm cả thế giới Ả Rập. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến chiếm các nước khác”, tay súng này nói với CNN sau khi đào thoát sang Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây hai tuần, anh ta còn ở Raqqa, thành trì của IS tại phía bắc Syria. Giống như những gì diễn ra tại nhiều thành phố ở Syria và Iraq, IS chẳng hề thương xót những người không tuân theo đường lối tôn giáo cực đoan của họ. Tại Raqqa, phụ nữ không che kín mặt thường bị đánh bằng roi và thậm chí các chủ cửa hiệu mở cửa trong thời gian cầu nguyện có thể bị đánh đập hoặc tống ngục.
Tay súng ngoài 20 tuổi nói trên cho biết anh ta rời bỏ IS vì nhóm này “truyền bá những bất công nhân danh công lý”. Người này không phải là nhân vật duy nhất vỡ mộng thánh chiến vì sự tàn bạo của IS. Hiện có hàng chục tay súng Hồi giáo người Anh chiến đấu ở Syria đang ngày càng tỉnh ngộ với cuộc thánh chiến và muốn trở về nước. Các tay súng ấy thất vọng vì họ không còn chiến đấu nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad mà đang bị ép phải đánh nhau với các nhóm nổi dậy đối địch.
Tiến thoái lưỡng nan
Theo tờ The Times ngày 5.9, một tay súng tự nhận đại diện cho 30 đồng hương đã liên hệ với một nhóm học giả thuộc Trung tâm nghiên cứu phi cực đoan hóa và bạo lực chính trị quốc tế (ICSR) của Đại học King để đề đạt nguyện vọng trên. Nhóm này muốn hồi hương nhưng đang lo sợ phải đối mặt với nhiều năm tù. Họ cho biết sẵn lòng trải qua chương trình cải tạo để không còn quá khích và chịu sự giám sát của nhà nước nếu được tự do khi trở về.
“Chúng tôi đến để chiến đấu chống lại chính phủ nhưng thay vào đó, chúng tôi đang can dự vào một cuộc chiến băng đảng. Đó không phải là những gì chúng tôi muốn làm nhưng nếu trở về, chúng tôi sẽ bị tống giam”, một tay súng nói với các nhà nghiên cứu của ICSR qua mạng xã hội. Giám đốc ICSR Peter Neumann cho biết ông ước lượng có khoảng 20% các tay súng Anh ở Syria đang tìm cách chạy trốn khỏi cuộc chiến tại khu vực. “Những người mà chúng tôi nói chuyện muốn rời đi song cảm thấy bị mắc kẹt vì mọi chính phủ đều đang bàn đến chuyện giam giữ họ đến 30 năm”, ông Neumann nói.
Nhóm tay súng trên thuộc một tổ chức nổi dậy có liên kết với IS ở Syria. Ước nguyện trở về của họ được một người phát ngôn giấu tên của IS xác nhận với tờ International Bussiness Times. IS hiện chiến đấu với cả quân chính phủ ở Iraq và Syria, cũng như các nhóm nổi dậy đối địch, gồm cả Mặt trận al-Nusra liên kết với al-Qaeda. Theo International Bussiness Times, một số tay súng thánh chiến lo ngại họ không đủ tiêu chuẩn tử đạo để được lên thiên đường nếu tử trận trong lúc chiến đấu chống lại những người đồng đạo. Hiện có khoảng 500 tay súng người Anh đang tham gia chiến đấu tại Syria. Theo Giáo sư Neumann, nếu xử lý khéo léo, các chiến binh trở về có thể được sử dụng làm bài học cay đắng cho những tân binh thánh chiến tiềm năng, cho thấy thực tế chiến trường không hề giống như những lời tuyên truyền để tuyển quân của IS.
Thủ lĩnh al-Shabab bị tiêu diệt Somalia hiện đặt trong tình trạng báo động trước các cuộc tấn công trả đũa của nhóm Hồi giáo cực đoan al-Shabab sau khi thủ lĩnh Ahmed Abdi Godane của nhóm này bị Mỹ tiêu diệt. Washington ngày 5.9 đã xác nhận cái chết của Godane trong một vụ không kích ở Somalia cách đó 4 ngày. Cụ thể, các máy bay chiến đấu có người lái và không người lái của Mỹ đã bắn tên lửa Hellfire và thả bom thông minh nhắm vào một cuộc họp của các chỉ huy al-Shabab. Bộ trưởng An ninh quốc gia Somalia Kalif Ahmed Ereg cho biết nhà chức trách hiện nắm được thông tin cho thấy al-Shabab “đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công tuyệt vọng nhắm vào cơ sở y tế, trung tâm giáo dục và cơ quan chính phủ”. Godane từng thừa nhận đứng sau vụ tấn công trung tâm mua sắm Westgate ở thủ đô Nairobi của Kenya năm ngoái, khiến 67 người thiệt mạng. Phát biểu về cái chết của Godane, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm tiêu hao và rốt cuộc sẽ đánh bại IS theo cách chúng tôi săn lùng al-Qaeda và nhóm liên kết với al-Qaeda ở Somalia”. |
Sơn Duân
Nguồn tin: Thanhnien