Rõ ràng, đây là cơ hội lớn, rất thuận lợi để các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của Samsung - sản xuất ở Việt Nam hằng năm 400 triệu điện thoại thông minh Galaxy, năm 2013 đã xuất khẩu 23,9 tỉ USD nhưng đã phải nhập khẩu 20,6 tỉ USD linh kiện từ các công ty của Samsung ở Trung Quốc. Lần đầu tiên, một tập đoàn quốc tế lớn có thiện chí muốn nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, hợp tác với DN nước ta nhưng bước đầu chưa thành công. Mâm cỗ đã dọn sẵn, khách được mời đang đói bụng nhưng lại không gắp được miếng nào!
Nhìn lại, phải thấy rằng phần lớn các DN nước ta thành lập trong thời gian qua chưa có cơ sở công nghệ, chưa chuẩn bị đầy đủ về vốn, nghiên cứu thị trường nên chủ yếu đầu tư vào thương mại, dịch vụ có tính truyền thống, không đòi hỏi kỹ năng cao. Không ít DN thiếu hẳn chiến lược phát triển dài hạn, tìm kiếm lợi nhuận bằng cách thiết lập các mối “quan hệ” nhằm kiếm lợi qua chênh lệch giá đất, khai thác tài nguyên, khoáng sản. Các đại gia nổi danh ở nước ta phần lớn giàu lên nhờ kinh doanh bất động sản, khai thác gỗ, khoáng sản hay phất lên nhờ chứng khoán; chưa có đại gia nào có công nghệ gì mang tên mình. Trước cơ hội tham gia chuỗi giá trị của Samsung, chưa thấy có đại gia nào sẵn sàng vào cuộc.
Họa phúc không phải là việc của một ngày, nỗi buồn này có nguyên nhân và nguồn gốc của nó. Sau khi gia nhập WTO vào năm 2007, thay vì đầu tư vào khoa học - công nghệ, áp dụng quản trị hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh thì ở nước ta đã nổ ra phong trào đầu cơ chứng khoán và đầu cơ bất động sản rầm rộ, làm giàu cho một số rất ít người nhưng để lại những hệ quả nặng nề đến nay vẫn chưa khắc phục hết. Một hệ động lực sai lệch đã hình thành lôi cuốn các DN chạy theo những mục tiêu trục lợi ngắn hạn, không bền vững.
Trong số 630.000 DN đã đăng ký, 200.000 DN phải đóng cửa hay làm thủ tục phá sản, chỉ còn khoảng 430.000 DN còn hoạt động. Trong số đó, cả nước chỉ có 200 DN được công nhận là DN khoa học - công nghệ, tức là DN có đăng ký bằng phát minh sáng chế và có sản phẩm mới. Một tỉ lệ thấp đáng lo ngại!
Trong khi đó, cơ hội và thách thức từ hội nhập hết sức to lớn. Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ đi vào hoạt động, cho phép hàng hóa, dịch vụ, tiền vốn và lao động có tay nghề tự do tiếp cận thị trường các nước thành viên. Nếu xét thêm cơ hội, thách thức được tạo ra từ các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đang đàm phán để tiến tới ký kết với Liên minh châu Âu, TPP thì đòi hỏi còn cao hơn nữa. Thời cơ phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của DN nước ta nhưng thách thức thì sẽ trở thành hiện thực ngay khi hàng hóa các nước sẽ sớm ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam.
Yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là khoa học - công nghệ trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng. Đã đến lúc phải đổi mới tư duy, đoạn tuyệt với mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và trục lợi ngắn hạn; đồng thời phải đầu tư mạnh mẽ vào khoa học - công nghệ, tăng cường liên kết giữa DN và viện nghiên cứu, trường đại học.
Nhận thức rõ yếu kém của mình, cơ hội và thách thức đang xuất hiện, nhà nước cần tiến hành cải cách thể chế kinh tế, tái cấu trúc mạnh mẽ và mỗi DN cũng phải tự cơ cấu lại sản xuất - kinh doanh của chính mình.
Nguồn tin: NLĐ Online