“Thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chúng ta cũng phải nghe ý kiến của đại biểu. Vì thế, Quốc hội quyết định lấy phiếu tín nhiệm hai lần mỗi nhiệm kỳ, vào cuối năm thứ 2 và thứ 4 để các đại biểu, những người được lấy phiếu có điều kiện thể hiện hết khả năng của mình. Đồng thời, Quốc hội, HĐND tiện giám sát việc thực hiện chức trách của người được lấy phiếu thường xuyên hơn”, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho biết sáng 18/6.
Về mức phiếu tín nhiệm, dự thảo thay đổi theo hướng chỉ còn hai mức là tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Theo bà Nương, “người có số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% thì được quyền xin từ chức. Cơ quan quản lý cán bộ cần bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý hơn. Nếu số phiếu tín nhiệm thấp quá 2/3 thì phải tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó luôn”. Về đối tượng và quy trình lấy phiếu, bà Nương cho biết vẫn giữ như Nghị quyết 35, sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này.
Lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội và Hội đồng nhân dan bầu hoặc phê chuẩn được thảo luận tại Quốc hội ngày 13/6. Góp ý tại hội trường, nhiều đại biểu đã bức xúc khi nghị quyết vẫn giữ nguyên 3 mức lấy phiếu và sửa đổi chỉ còn lấy một lần trong mỗi nhiệm kỳ.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận xét, cái dở thì giữ còn cái hay thì sửa. Trong khi đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng dự thảo "không lắng nghe ý kiến của nhân dân"
TTH