Ngày 14.8, Kyodo News dẫn một nguồn tin từ chính phủ Nhật tiết lộ rằng từ tháng 5.2016, chiến đấu cơ Trung Quốc bay gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông ít nhất 3 lần. Nguồn tin không nói rõ có bao nhiêu chiến đấu cơ Trung Quốc nhưng khẳng định có một chiếc đã bay vào phạm vi 50 km quanh khu vực được Nhật Bản xác định là không phận nước này trên quần đảo tranh chấp.
Nguồn tin nhận định việc máy bay Trung Quốc bay gần Senkaku/Điếu Ngư với khoảng cách như trên là “bất thường”. Tokyo đã triển khai chiến đấu cơ để cảnh báo, ngăn chặn những máy bay quân sự Trung Quốc nói trên.
Tính từ tháng 4 - 6.2016, số lần Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) của Nhật triển khai chiến đấu cơ ngăn máy bay quân sự Trung Quốc vào không phận đã tăng lên 199 lần, phá vỡ kỷ lục trước đó là 198 lần cho giai đoạn từ tháng 1 - 3, theo Bộ Quốc phòng Nhật. Loại chiến đấu cơ thường được ASDF cho xuất kích để ứng phó máy bay quân sự Trung Quốc là F-15. Hồi cuối tháng 1.2016, báo Defense News dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật cho hay để bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư, ASDF đã tăng gấp đôi số F-15 được triển khai tới đảo Okinawa, lên tổng cộng 40 chiếc.
Căng thẳng đang gia tăng quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu NgưAFP |
Cũng trong ngày 14.8, tờ
Yomiuri loan tin Nhật sẽ phát triển một loại tên lửa đối hải mới để bảo vệ các đảo phía nam, trong đó có Senkaku/Điếu Ngư. Tên lửa mới có thể sẽ được triển khai tới đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa trước năm 2023 và với tầm bắn 300 km, nó sẽ bao phủ quần đảo tranh chấp.
“Trong bối cảnh Trung Quốc lặp lại hành động khiêu khích xung quanh Senkaku, Nhật muốn gia tăng khả năng răn đe với năng lực tấn công tầm xa được cải thiện”, Yomiuri viết, nhưng không cung cấp nguồn tiết lộ thông tin.
Cũng theo Yomiuri, báo có số lượng phát hành hàng đầu ở Nhật, tên lửa mới sẽ sử dụng nhiên liệu rắn, cho phép nó được phóng ngay khi có lệnh. Cũng nhằm bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư, Tokyo hồi tháng 4 đã kích hoạt một đơn vị giám sát bờ biển tại đảo Yonaguni (thuộc tỉnh Okinawa) và có kế hoạch lập thêm nhiều cơ sở tương tự trên các đảo khác trong khu vực. Mang danh là đơn vị giám sát nhưng những chốt phòng thủ này đều được trang bị tên lửa chống hạm và hệ thống phòng không, theo chuyên san The National Interest.
Những thông tin nói trên được hé lộ vài ngày sau khi Nhật liên tục phản đối và tuyên bố sẽ ứng phó kiên quyết đối với tình trạng tàu công vụ Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư ở mức kỷ lục (15 chiếc cùng lúc trong ngày 8.8). Khi bị Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida triệu tập để phản đối, Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đáp lại rằng Senkaku/Điếu Ngư là một phần lãnh thổ Trung Quốc nên tàu nước này có quyền đi vào vùng biển xung quanh quần đảo, theo Đài NHK.
Văn Khoa