Chiến lược an ninh hàng hải của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương

Thứ hai - 14/09/2015 08:39 742 0
Cuối tháng 8, quốc hội Mỹ nhận báo cáo “Chiến lược an ninh hàng hải đối với châu Á - Thái Bình Dương” do Lầu Năm Góc đệ trình để vạch rõ chiến lược hành động trong thời gian tới.
Chiến lược an ninh hàng hải của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương - ảnh 1
Phần đầu tiên của báo cáo đã đánh giá tổng quan tình hình khu vực cũng như các mối nguy cơ đối với an ninh hàng hải tại đây. Trong đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Hoa Đông và Biển Đông bị cho là ảnh hưởng mạnh mẽ đến các sự ổn định trong khu vực.
Là một bên tranh chấp, Trung Quốc liên tục có nhiều hành động gây lo ngại, đe dọa nhằm vào các bên liên quan. Chứng minh điều này, báo cáo chỉ ra một loạt hành vi của Bắc Kinh: tăng cường hoạt động quân sự, quấy phá và gây rối ở Biển Đông như tập trận, triển khai giàn khoan di động Haiyang Shiyou-981 ở vùng biển Việt Nam; thiết lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông... Khu vực Ấn Độ Dương, vốn nối tiếp với Thái Bình Dương, cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ căng thẳng. Tình hình như vậy, khiến cho một số nước phải tăng cường khả năng phòng vệ.
Trong khi đó, nhiều năm qua, Mỹ luôn khẳng định sẵn sàng hành động đảm bảo quyền tự do an ninh hàng hải. Hơn thế nữa, Washington lại có không ít lợi ích kinh tế, thương mại và cả địa chính trị trong khu vực. Chính vì thế, để ứng phó các mối nguy cơ, Lầu Năm Góc đã vạch rõ chiến lược an ninh hàng hải cần theo đuổi tại châu Á - Thái Bình Dương như sau:
Nâng cao năng lực quân sự Mỹ ở châu Á
 
 
Trung Quốc “xây đường băng ở đá Xu Bi”
Theo chuyên san The Diplomat, những hình ảnh do vệ tinh chụp ngày 3.9 cho thấy Trung Quốc đang tiến hành san đất, có thể để xây đường băng phi pháp ở đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của VN. Với chiều rộng khoảng 60 m và chiều dài tính tới hiện nay vào khoảng 2.200 m, khoảnh đất có thể làm cơ sở cho một đường băng tương đương đường băng Trung Quốc đang xây phi pháp ở đá Chữ Thập, cũng thuộc Trường Sa.
Trước đó, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cảnh báo Trung Quốc có thể đang chuẩn bị xây dựng phi pháp đường băng dài 3.000 m trên đá Xu Bi.     
    Minh Trung
 
Năm nay, Washington đã triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan thay thế tàu USS George Washington đến đồn trú tại Nhật Bản. Đến năm 2020, tàu đổ bộ USS America cũng sẽ đến Nhật Bản để hoạt động tại khu vực này. Với chiều dài 257 m và độ choán nước 45.000 tấn, ngang ngửa tàu sân bay nhiều nước khác, tàu đổ bộ USS America thực chất là một tàu sân bay đủ sức mang theo chiến đấu cơ F35-B và nhiều loại máy bay khác. Chính vì thế, sự hiện diện của USS America đồng nghĩa với việc Washington triển khai 2 hàng không mẫu hạm túc trực tại châu Á - Thái Bình Dương.
Bất ngờ hơn, Lầu Năm Góc còn vạch kế hoạch đồn trú cả 3 siêu tàu khu trục lớp Zumwalt đầu tiên tại Hạm đội Thái Bình Dương. Lực lượng chiến hạm cận bờ đồn trú luân phiên ở Đông Nam Á cũng sẽ được tăng cường khả năng hoạt động.
Để hỗ trợ hải quân, một lực lượng hùng hậu chiến đấu cơ gồm F-22, F-35, B-2, B-52… được củng cố ở Thái Bình Dương. Từ năm 2017, một số chiến đấu cơ F-35 hiện đại sẽ bắt đầu được điều động đến đây. Lầu Năm Góc cũng củng cố cả hệ thống radar, do thám và máy bay trinh sát, chống ngầm ở khu vực này. Kèm theo đó, các máy bay không người lái vũ trang lẫn trinh sát của Mỹ sẽ hoạt động nhiều hơn.
Hàng loạt kế hoạch nâng cấp và tăng cường thêm nhiều loại tên lửa tối tân cũng được Lầu Năm Góc đề ra cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Về nhân sự, lực lượng 368.000 binh sĩ và nhân viên quân sự tiếp tục được đảm bảo.
Đến năm 2020, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ chiếm 30% số lượng tàu chiến mà Mỹ triển khai ở nước ngoài. Đặc biệt, 60% thiết bị, hạ tầng không quân và hải quân Mỹ ở nước ngoài cũng sẽ được đặt tại châu Á - Thái Bình Dương. Tất cả nhằm đảm bảo khả năng đối phó chiến lược phong tỏa chống tiếp cận mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
Phát triển đồng minh và các đối tác
Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các đồng minh cũng như tăng cường quan hệ hợp tác với nhiều đối tác trong khu vực. Cụ thể, với đồng minh Nhật Bản, Washington sẽ hỗ trợ Tokyo nâng cao khả năng của lực lượng phòng vệ biển. Trong đó, Mỹ sẽ bán máy bay V-22 Osprey và phương tiện đổ bộ tấn công cho Nhật Bản. Máy bay không người lái Global Hawk và máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeyes cũng có trong đơn hàng mà Washington cung cấp cho Tokyo.
Với các đối tác Đông Nam Á, Washington cũng tăng cường hỗ trợ. Theo đó, sau khi thực hiện nhiều chương trình cung cấp thiết bị trinh sát bờ biển cho Indonesia và Malaysia, Mỹ đang hỗ trợ Philippines nâng cấp khả năng giám sát bờ biển. Mỹ cũng đã cung cấp hệ thống cảnh báo vũ khí phá hủy quy mô lớn cho một nước Đông Nam Á đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Các chương trình hỗ trợ, hợp tác trên không chỉ tập trung vào việc tăng cường trang thiết bị hay khả năng của các đối tác, đồng minh, mà còn đẩy mạnh hình thành nhận thức chung về vấn đề tranh chấp hay các bất đồng. Đồng thời, Mỹ cũng đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ nhằm phòng ngừa các nguy cơ bùng nổ xung đột ở Ấn Độ Dương.
Giảm thiểu nguy cơ
Đây là một phần trong chiến lược của Washington đối với an ninh hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, bên được đánh giá là có nhiều hành động gây căng thẳng trong khu vực, thì Mỹ cũng tăng cường hợp tác để giữ vững kênh đối thoại nhằm giải quyết các bất đồng. Trong đó có cả các hợp tác về ngoại giao lẫn quân sự. Tuy nhiên, Washington vẫn nhấn mạnh sự quan ngại đối với nhiều hoạt động của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Mỹ còn thông qua các kênh như ASEAN để nhằm đảm bảo ổn định cho tình hình khu vực. Mỹ hợp tác cùng ASEAN để hình thành các đường dây nóng để kịp thời ứng phó các căng thẳng xảy ra bất ngờ.
Từ những mối hợp tác trên, Washington dần hình thành nhiều kênh đối thoại hơn cùng các đối tác trong khu vực, điển hình như tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Tất cả những nỗ lực này nhằm giảm thiểu nguy cơ, hình thành cấu trúc an ninh khu vực và từng bước xây dựng nhận thức chung, giá trị thực thi luật pháp quốc tế.

Vị thế cực kỳ quan trọng

Theo Lầu Năm Góc, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có đến 8 trong số 10 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới. Trong đó, riêng khu vực Biển Đông là nơi qua lại của 30% lượng hàng hóa di chuyển trên biển toàn cầu. Ước chừng 2/3 lượng dầu mỏ vận chuyển đường biển toàn cầu đi qua Ấn Độ Dương vào Thái Bình Dương qua eo biển Malacca. Chỉ riêng năm 2014, mỗi ngày có trung bình 15 triệu thùng dầu đi qua Malacca. Washington có lợi ích to lớn tại vùng biển này, bởi hằng năm số lượng hàng hóa vận chuyển cho Mỹ di chuyển qua Biển Đông có giá trị lên đến 1.200 tỉ USD.
Không chỉ là tuyến hàng hải quan trọng, Biển Đông còn được đánh giá cao về trữ lượng hải sản lẫn dầu mỏ và khí đốt. Cụ thể, một báo cáo của LHQ chỉ ra vùng biển này chiếm đến 10% lượng hải sản được đánh bắt trên cả thế giới. Cơ quan thông tin năng lượng của Mỹ ước tính trữ lượng dầu mỏ trên Biển Đông lên đến 11 tỉ thùng và có khoảng 3 tỉ m3 khí đốt. Trong khi đó, biển Hoa Đông được ước tính có trữ lượng 200 triệu thùng dầu.

 Từ năm 2016 - 2020, Mỹ sẽ bổ sung 48 chiến hạm

Chiến lược an ninh hàng hải của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương - ảnh 2

Tháng trước, Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS) vừa có báo cáo cập nhật về “Cấu trúc lực lượng hải quân và kế hoạch đóng tàu chiến” của nước này.

Theo báo cáo, hải quân Mỹ vào năm 2016 sẽ bổ sung 9 tàu mới gồm: 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, 2 tàu khu trục lớp Arleigh Burke trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, 3 tàu chiến cận bờ, 1 tàu đổ bộ cỡ lớn thuộc lớp San Antonio và 1 tàu chở dầu cỡ lớn phụ trách hậu cần.
Như vậy, với kế hoạch vừa được cập nhật, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, Lầu Năm Góc sẽ trang bị mới tổng cộng 48 tàu. Với kế hoạch mới, đến năm 2020, Mỹ sẽ bổ sung 1 hàng không mẫu hạm lớp Ford. Bên cạnh đó, về tàu ngầm, lớp Virginia tiếp tục giữ vị trí chủ lực như những năm gần đây và sẽ bổ sung 10 chiếc. Tương tự, tàu khu trục lớp Arleigh Burke cũng giữ vị trí chủ lực của lực lượng tàu khu trục Mỹ và sẽ được bổ sung 10 chiếc.
Lâu nay, với vai trò là lực lượng chủ chốt để Mỹ giữ vững ảnh hưởng trên mặt biển khắp thế giới, Washington luôn thường xuyên cập nhật kế hoạch phát triển, trang bị tàu hải quân được đóng mới cho 30 năm tiếp theo. Vào tháng 7.2014, Lầu Năm Góc từng đề ra kế hoạch bổ sung tàu từ năm 2015 - 2044 để đảm bảo có khoảng 308 chiếc hoạt động trong lực lượng hải quân Mỹ. Với kế hoạch này, trong giai đoạn 10 năm đầu tiên thì Mỹ đầu tư trung bình 15,7 tỉ USD hằng năm để đóng tàu, giai đoạn 10 năm tiếp theo ngốn khoảng 19,7 tỉ USD mỗi năm và giai đoạn cuối khoảng 14,6 tỉ USD mỗi năm. Tất nhiên, các con số này có thể thay đổi theo thực tế hằng năm, dựa vào kết quả cập nhật kế hoạch của Lầu Năm Góc.

Ngô Minh Trí

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay4,049
  • Tháng hiện tại74,491
  • Tổng lượt truy cập41,255,092
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây