- TS Nguyễn Ngọc Trường:
Mục đích chính trong các mục đích của việc hạ đặt giàn khoan nói trên là hợp thức hóa việc chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam, cũng như khẳng định sự tồn tại của đường lưỡi bò 9 đoạn hiện đang bị Philippines kiện lên Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Lập luận chính của Bắc Kinh là điểm hạ đặt giàn khoan gần Hoàng Sa hơn gần Việt Nam nhưng lập luận ấy yếu lắm! Thử hỏi tất cả những đòi hỏi biển của Trung Quốc trong đường 9 đoạn đều vươn xa hơn 1.000 hải lý so với bờ biển của tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam tới tận đảo Borneo và bao gồm hầu hết vùng biển của Việt Nam rồi Philippines thì Trung Quốc nói sao? Đòi hỏi này bao gồm hơn 90% biển Đông, mặc dù Trung Quốc, nếu gồm cả Đài Loan, cũng chỉ chiếm 20% chiều dài của toàn bộ đường bờ biển của biển Đông.
Trường hợp Philippines, bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon (của Philippines) 200 km, trong khi cách Trung Quốc 650 km thì nói sao? Bãi Vành Khăn cách đảo Palawan (của Philippines) 110 km, trong khi cách Trung Quốc 1.500 km thì nói sao?
Trung Quốc nói tháng 8-2014 sẽ rút giàn khoan trong khi chủ đích cắm giàn khoan đó không chỉ vì thương mại. Điều họ nói có đáng tin cậy?
- Dư luận thế giới phê phán việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đưa giàn khoan vào hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Hôm nay làm ở Việt Nam, ngày mai có thể là những nước khác. Họ nói là tháng 8-2014 sẽ rút, vì tháng 8 là mùa bão biển Đông. Cứ cho là giàn khoan Hải Dương 981 chịu được bão cấp 12 nhưng các tàu thuyền hộ vệ thì không thể chịu nổi. Còn việc rút thật hay rút giả, dư luận thế giới nay đã đi đến kết luận rằng hãy xem điều Trung Quốc làm, đừng nghe điều Trung Quốc nói!
Nếu Trung Quốc không rút giàn khoan thì điều gì sẽ xảy ra? Việt Nam chúng ta sẽ phải làm những gì?
- Nếu Việt Nam ngừng phản kháng ngoài biển và trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, luật pháp quốc tế và dư luận thì coi như Trung Quốc đạt được mục tiêu, nghiễm nhiên tuyên bố: “Hoàng Sa là của chúng tôi, đường lưỡi bò là của chúng tôi, chúng tôi muốn làm gì trong phạm vi 90% biển Đông đó thì chúng tôi làm”.
Bây giờ phải có liệu pháp mạnh. Một trong số các liệu pháp đó là phải sớm kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc tế thích hợp.
Về lịch sử quản lý Hoàng Sa, Trung Quốc có cãi ai thì cãi, không thể cãi Việt Nam vì chủ quyền và chính nghĩa của chúng ta đã quá rõ ràng.
Các nước ủng hộ chúng ta
Quan hệ quốc tế của Việt Nam với một số nước sau vụ giàn khoan như thế nào?
- Ai cũng ủng hộ Việt Nam và không tán thành hành động Trung Quốc gây hấn với Việt Nam tại biển Đông. Nhưng tùy vị trí địa - chiến lược và lợi ích địa - chính trị của mỗi nước mà cách thể hiện của họ khác nhau.
Đề cập liên tục, thẳng thắn và mạnh mẽ hơn cả là Mỹ và Nhật Bản. Điều này phù hợp với chủ trương tái cân bằng chiến lược của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương và hợp tác an ninh Mỹ - Nhật. Hành động gây hấn của Trung Quốc được xem là thách thức lợi ích của hai nước lớn này và gây bất lợi cho tình hình an ninh, ổn định tại khu vực.
Nguồn tin: NLĐ Online