Có thể nói, bằng nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả, thời gian qua, ngành y tế huyện Chư Jút đã từng bước củng cố và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, góp phần làm giảm khó khăn, áp lực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Theo đó, công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đã được triển khai rộng rãi tại Bệnh viện Đa khoa huyện cũng như các trạm y tế xã. Cụ thể như tại Bệnh viện Đa khoa huyện, khoa Đông y đã từng bước được kiện toàn với đầy đủ cán bộ chuyên môn và trang thiết bị, gồm 1 bác sĩ y học cổ truyền và 8 lương y, y sĩ đông y, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Toàn huyện có 7/8 trạm y tế có cán bộ chuyên trách về công tác y học cổ truyền trực tiếp khám, chữa bệnh; trong đó, 4 trạm có tủ thuốc y học cổ truyền để phục vụ việc điều trị của người dân. Bên cạnh đó, tất cả các trạm y tế đều xây dựng được vườn thuốc nam, vừa để phục vụ cho công tác điều trị, vừa giới thiệu, tuyên truyền cho người dân địa phương về cách trồng và sử dụng một số loại cây thuốc thông dụng.
Đơn cử như Trạm y tế xã Đắk D’rông, trong năm 2013, trạm đã khám và điều trị cho 13.775 lượt người, trong đó, bằng phương pháp y học cổ truyền là gần 5000 lượt người.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Quyên, Trưởng Trạm y tế xã Đắk D’rông cho biết: “Từ khi trạm có cán bộ chuyên trách về y học cổ truyền trực tiếp làm công tác khám và điều trị, số lượt bệnh nhân tìm đến điều trị ngày càng tăng. Trạm cũng đã trang bị một số trang thiết bị khám, chữa bệnh như máy châm cứu, xoa bóp… Nhiều người bệnh đã hài lòng hơn với chất lượng khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền tại trạm”.
Hay tại Trạm y tế xã Nam Dong, thời gian qua, không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng điều trị bằng y học hiện đại mà trạm còn tăng cường khám và điều trị cho người dân bằng phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt.
Trung bình mỗi năm, số lượng người khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm chiếm hơn 30% tổng số lượt người khám, chữa bệnh. Trạm cũng đã xây dựng vườn cây thuốc nam đạt tiêu chuẩn với nhiều nhóm thuốc khác nhau, phục vụ đầy đủ nhu cầu điều trị bệnh của người dân.
Ông Đào Thanh Tân, 72 tuổi, một người dân trong xã cho biết: “Do tuổi đã cao nên tôi thường xuyên bị đau khớp tay, khớp chân. Ngoài việc tập thể dục, tôi cũng đến trạm y tế xã để xoa bóp, châm cứu. Đến nay, bệnh của tôi đã thuyên giảm khá nhiều, việc đi lại, vận động cũng dễ dàng hơn”.
Theo Trung tâm y tế huyện, trước nhu cầu khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền của người dân ngày càng cao, địa phương đang tìm nhiều giải pháp hơn nữa để phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh cũng như nâng cao chất lượng phục vụ.
Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ lương y, lương dược được quan tâm. Huyện cũng tiến hành rà soát để nắm bắt nhu cầu, từng bước mua sắm thêm một số trang thiết bị cần thiết cho các trạm y tế xã. Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, tập trung chủ yếu vào việc hướng dẫn người dân cách sử dụng, trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng ngay tại gia đình.
Về phía Hội Đông y huyện, ngoài việc củng cố tổ chức, phát triển hội viên cũng luôn tích cực vận động cán bộ, hội viên tích cực trao đổi, nghiên cứu những bài thuốc hay, cây thuốc quý, kinh nghiệm trong khám, chữa bệnh, góp phần bảo tồn giá trị y học cổ truyền cũng như phục vụ ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân…
Vũ Trang
Nguồn tin: Báo Đăk Nông