Nếu như những năm trước đây, mỗi vụ thu hoạch, hơn 3 sào lúa của gia đình bà Lê Thị Thơm, ở thôn 3, xã Trúc Sơn chỉ đạt hơn 3,4 tạ /sào, thì vụ đông xuân vừa qua, năng suất và sản lượng lúa đã tăng gấp đôi. Theo bà Thơm thì sở dĩ có được kết quả cao như vậy là do vụ mùa vừa rồi, bà đã gieo cấy bằng giống lúa lai Nhị ưu 838 do Trạm khuyến nông giới thiệu.
Cùng với đó, được tham gia các buổi tập huấn nên bà đã áp dụng vào việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên hầu hết diện tích lúa của gia đình không xuất hiện sâu bệnh gây hại mà còn phát triển rất tốt. Tương tự, nhiều giống cây trồng khác như ngô, đậu nành… có năng suất cao cũng được đưa vào sản xuất đại trà, giúp nông dân từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất.
Anh Đinh Văn Vương, ở thôn 13, xã Đắk D’rông cho hay: “Trước đây, gia đình tôi thường có thói quen trồng các giống đậu nành của địa phương nên năng suất thường giảm dần qua mỗi vụ, đồng thời, khả năng chống chịu sâu bệnh và chịu hạn không cao. Vài vụ mùa gần đây, được Trạm khuyến nông triển khai, gia đình tôi đã trồng bằng giống đậu nành DT26 trên cánh đồng của mình. Qua quá trình sản xuất, tôi thấy đây là loại giống không chỉ mang lại năng suất, hiệu quả cao mà còn có sức kháng bệnh cao hơn những loại cây trồng khác”.
Theo ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rông thì hiện trên toàn xã có hơn 2.500 ha cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô, đậu phụng, đậu nành... Những năm gần đây, chính quyền xã đã chủ động phối hợp với Trạm khuyến nông huyện không ngừng thực hiện việc chuyển đổi nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, cũng như áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, đã góp phần làm tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất, giúp bà con có cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
Theo Trạm Khuyến nông huyện Chư Jút thì xác định công tác khuyến nông là nội dung quan trọng để nâng cao năng suất, sản lượng của cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, hàng năm, Trạm đều có kế hoạch cụ thể để phân công cho từng cán bộ phụ trách địa bàn theo dõi sát sao tình hình phát triển của cây trồng, từ đó, xây dựng kế hoạch và triển khai hợp lý.
Theo đó, Trạm thường xuyên phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm nhiều mô hình cũng như tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn về cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi… để nâng cao kiến thức sản xuất cho người dân. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, đơn vị đã tổ chức được 21 lớp tập huấn, 4 cuộc hội thảo về kỹ thuật thâm canh cây trồng cũng như xây dựng các mô hình trình diễn về các giống lúa, ngô lai, thu hút nhiều hộ dân tham gia.
Thông qua các lớp tập huấn, mô hình trình diễn này, nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật, giống cây trồng mới đã được đông đảo người dân áp dụng thực hiện hiệu quả. Trong đó, phải kể đến việc Trạm đã triển khai mô hình lúa lai tại 2 xã Đắk D’rông, Chư K’nia với diện tích gần 25 ha và dự án cải thiện các hệ thống nuôi dưỡng động vật ăn cỏ tại các xã Tâm Thắng, Nam Dong mang lại kết quả rất cao…
Ngoài ra, các mô hình cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao như gà mía, cá diêu hồng, thỏ, cây sâm sâm… cũng được Trạm tiến hành đưa vào nuôi, trồng thí điểm và nhân rộng ra địa bàn, tạo cơ sở cho việc phát triển nông nghiệp ở địa phương theo hướng đa dạng, bền vững hơn.
Nguyễn Lương