Có mặt trên tàu KRI Imam Bonjol - 1 trong 5 tàu chiến đang được triển khai tuần tra vùng biển quanh Natuna - ông Widodo đã chủ trì một cuộc họp nội các để bàn về vấn đề chủ quyền và phát triển kinh tế của địa phương này. Phát biểu tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Indonesia kêu gọi quân đội tăng cường tuần tra sau một loạt vụ đụng độ với tàu Trung Quốc tại vùng biển Natuna.
Giới chức Indonesia mô tả chuyến đi trên - có sự tham gia của Tư lệnh Quân đội, Tướng Gatot Nurmantyo; Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Luhut Binsar Pandjaitan; Ngoại trưởng Retno Marsudi và một số thành viên nội các khác - là thông điệp mạnh mẽ nhất gửi đến Trung Quốc về vấn đề chủ quyền quần đảo Natuna. “Natuna là lãnh thổ của Indonesia… Là người đứng đầu chính phủ và đất nước, tổng thống muốn khẳng định quần đảo Natuna thuộc chủ quyền Indonesia” - Thư ký Nội các Indonesia Pramono Anung nói. Trong khi đó, ông Pandjaitan nhấn mạnh với tờ The Jakarta Post: “Trong lịch sử của mình, chúng tôi chưa bao giờ cứng rắn thế này (với Trung Quốc), qua đó cho thấy tổng thống (Widodo) không hề coi nhẹ vấn đề này”.
Chuyến đi trên diễn ra vài ngày sau khi tàu hải quân Indonesia nổ súng cảnh cáo tàu cá Trung Quốc trước khi bắt giữ một chiếc cùng 7 ngư dân bị cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý quanh Natuna. Đây là vụ đụng độ thứ ba như thế trong vòng 3 tháng khiến quan hệ hai nước căng thẳng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tuần này nói Bắc Kinh không có tranh chấp chủ quyền với Indonesia nhưng hai nước có tuyên bố chồng lấn về quyền và lợi ích hàng hải tại một số khu vực ở biển Đông. Tiếp tục luận điệu này, tờ Global Times hôm 22-6 nói EEZ quanh Natuna mà Indonesia tuyên bố chủ quyền bị chồng lấn khoảng 50.000 km2 với vùng biển bên trong cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra hòng độc chiếm biển Đông.
Những lời lẽ ngang ngược trên khiến giới chức Indonesia “sôi máu”. Cùng ngày 22-6, Ngoại trưởng Marsudi bác bỏ “tuyên bố chồng lấn” của Bắc Kinh trong khi quân đội Indonesia khẳng định sẽ duy trì lập trường cứng rắn. “Chúng tôi đã triển khai 5 tàu và 1 máy bay để tuần tra vùng biển quanh Natuna nhằm ngăn hành động xâm phạm trái phép tái diễn” - tuyên bố của Tướng Nurmantyo nêu rõ. Trước đó một ngày, Chuẩn Đô đốc A. Taufiq R., Tư lệnh Hạm đội Tây của Indonesia, nói ngày càng có nhiều tàu cá Trung Quốc xuất hiện gần Natuna từ đầu năm đến giờ. “Chúng ta cần giải quyết vấn đề này. Nếu không, họ sẽ đưa ra tuyên bố chủ quyền phiến diện đối với vùng biển này” - ông A. Taufiq R. cảnh báo.
Trang Bloomberg nhận định việc ông Widodo công khai bất bình về sự hiện diện của tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc tại vùng biển trên có thể đưa Indonesia đến gần hơn các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông. Tổng thống Indonesia gần đây yêu cầu Bộ trưởng Luhut chuẩn bị một lập trường chung liên quan đến chính sách biển Đông để các thành viên nội các có cùng tiếng nói về vấn đề này. Trước đó, hồi năm 2010, Jakarta ra tuyên bố khẳng định “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh thiếu cơ sở pháp lý quốc tế.
Trang tin BenarNews không phải không có lý khi cho rằng Indonesia sắp bị kéo vào cuộc xung đột về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, bất chấp áp lực không hề nhỏ từ việc Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia. “Chúng tôi muốn giữ quan hệ thân thiện nhưng chủ quyền và lãnh thổ Indonesia là điều không thể thương lượng” - Bộ trưởng Luhut nhấn mạnh.
Nguồn tin: NLĐ Online