Cũng như vậy, nghịch lý trong tâm lý tiêu xài của quan chức cũng không khác là mấy. Gần đây là địa phương nghèo như Nghệ An vừa được nhận hơn 3.600 tấn gạo cứu đói cho trên 241.000 nhân khẩu nhưng tỉnh lại quyết định sẽ bắn pháo hoa mừng Xuân Bính Thân 2016.
Không chỉ có Nghệ An, theo Bộ Tài chính, nguồn lực của địa phương có hạn, không được phân bổ ngân sách nhưng nhiều tỉnh vẫn quyết định đầu tư nhiều công trình hoành tráng, như trung tâm hành chính, quảng trường, tượng đài... Hệ quả tất yếu là vượt quá khả năng chi trả của địa phương. Nhìn rộng ra, nhiều nơi còn rất nghèo, phải nhận chính sách hỗ trợ từ trung ương nhưng vẫn cứ thích xây các công trình sao cho hoành tráng để “bằng anh bằng chị”.
Trong khi đó, thực tế đáng buồn là trong 63 tỉnh - thành, có đến 50 tỉnh - thành phải nhờ trung ương trợ cấp mới đủ chi.
10 năm trước, TP HCM là địa phương giàu có nhất cả nước, đóng góp 1/3 ngân sách. Tuy nhiên, UBND TP quyết định vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi sẽ không tổ chức bắn pháo hoa trong đêm giao thừa mà dành toàn bộ số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng (tiết kiệm nhờ không bắn pháo hoa) để ủng hộ người nghèo. Quyết định này đã dấy lên trong xã hội 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Dù vậy, cái lý thuyết phục nhất là phải tùy vào điều kiện tài chính của từng địa phương mà chi xài.
Thật ra, không phải bắn pháo hoa là chuyện tùy thích. Ngày 25-5-2007, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 74/2007/QĐ-TTg về việc tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp Tết Nguyên đán, một số ngày kỷ niệm của đất nước, của các địa phương và các ngày hội văn hóa - thể thao - du lịch. Theo đó, Tết Nguyên đán hằng năm: bắn pháo hoa tầm cao, thời lượng 15 phút ở 5 điểm tại Hà Nội, 4 điểm tại TP HCM và 2 điểm tại Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ; bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng 15 phút ở 2 điểm tại các tỉnh còn lại. Thời điểm bắn pháo hoa từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút ngày mùng 1 Tết Nguyên đán…
Nếu như các vị quan chức thích tiêu xài hoành tráng “vi hành” sẽ thấy trẻ em vùng sâu, vùng cao không có vắc-xin tiêm ngừa, học trong các chòi tạm bợ, cơm không đủ ăn, đến trường bằng dây đu qua suối… Thế nên, thay vì xây các công trình hoành tráng, bắn pháo hoa tùy tiện chỉ để… ngắm trong khi tỉnh nhà còn nghèo khó thì nên xây nhiều trường học, bệnh viện. Thực trạng nhiều địa phương nghèo, người dân còn thiếu ăn, thiếu mặc mà chơi sang, nghèo mà tiêu hoang không mới song nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Nghịch lý này càng trở nên trớ trêu hơn khi hạ tầng cơ bản, thiết yếu, cần thiết cho mục tiêu phát triển lâu dài như hệ thống an sinh xã hội gồm y tế cơ sở, bệnh viện, trường học vừa thiếu lại vừa yếu.
Nguồn tin: Thanhnien