|
Các triệu chứng chuột rút về đêm bao gồm co thắt dữ dội của cơ bắp chân, thường kéo dài vài giây hoặc nhiều lắm là vài phút, nhưng sau đó triệu chứng đau có thể kéo dài cả ngày hay vài ngày.
Nguyên nhân
Nghiên cứu cho thấy tăng hoạt động điện trong các cơ bắp là nguyên nhân dẫn đến chứng chuột rút. Trong một số trường hợp, chuột rút xảy ra cũng có thể liên quan đến việc mất cân bằng chất lỏng và chất khoáng trong cơ thể như can xi, ma giê, natri và kali. Điều này có thể xảy ra sau khi tập thể dục, đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước và muối, dùng thuốc lợi tiểu, đang có thai... Đôi khi, một số bệnh liên quan đến thần kinh như Parkinson, các bệnh về bắp thịt, các rối loạn về thần kinh cũng gây ra triệu chứng chuột rút.
Cách xử lý
- Tránh ngồi lâu, tư thế của chân lúc nghỉ ngơi phải thoải mái.
- Hằng đêm, trước khi lên giường, dành 5 phút thực hiện các bài tập đơn giản để làm căng cơ bắp chuối.
- Một số bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt kali có thể gây ra chứng chuột rút về đêm. Nhiều người đã loại bỏ được chuột rút bằng cách bổ sung các loại thực phẩm giàu kali (chuối, mơ, chà là, nho, đậu, bông cải xanh, bắp cải, cam, bưởi, cà chua, thịt heo, khoai tây, cá ngừ...).
- Nếu bị đánh thức do chuột rút, hãy áp dụng một số mẹo nhỏ để giảm đau: chườm nóng hoặc chườm lạnh bắp thịt bị đau; lắc và xoa bóp bắp thịt chỗ bị chuột rút rồi sau đó nâng cao chân lên.
- Nhiều nghiên cứu cũng đã tìm ra mối liên hệ giữa hiện tượng chuột rút và việc mất nước. Vì thế, hãy đảm bảo bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể để ngăn ngừa chuột rút vào ban đêm.
- Phụ nữ mang thai, người ăn kiêng, người dùng thuốc lợi tiểu, những người vừa trải qua trận nôn mửa và tiêu chảy cũng có thể gặp chuột rút ở chân, vì lượng can xi và phốt pho của họ đã thoát ra khỏi cơ thể. Nếu bạn rơi vào một trong các trường hợp trên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Hạ Yên
Nguồn tin: Thanhnien