Quá sợ trộm!
Anh Ân cho biết không chỉ những chiếc xe tay ga đắt tiền mà xe máy cũ cũng được chủ gắn định vị để phòng trộm. “Ngay cả dân lao động đi xe máy giá bèo cũng đến tôi gắn định vị vì khu họ sống trộm dữ quá. Mất chiếc xe là coi như mất cần câu cơm” - anh Ân chia sẻ. Khi được hỏi lý do gắn thiết bị định vị (trị giá 1,2 triệu đồng) cho chiếc xe máy cũ kỹ của mình, anh Thức (công nhân một công ty may đóng ở phường An Bình, thị xã Dĩ An) nói: “Khu trọ tôi ở trộm cắp lộng hành lắm. Đợt trước, có cặp vợ chồng do phòng trọ chật chội nên dựng xe máy ở ngoài và chỉ một lúc sau thì nó không cánh mà bay”.
Theo “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, có ngày anh tiếp nhận hàng chục cuộc điện thoại của người dân báo mất xe. Nhiều kẻ trộm cả gan vào tận sân nhà dân để dắt xe. Có những tên còn chơi chiêu chạy xe “cà tàng” vào bãi giữ xe lấy phiếu rồi tráo biển số với xe đắt tiền để chiếm đoạt”.
Chạy không thoát
Sau nhiều ngày sử dụng thiết bị định vị gắn trên xe máy, anh Đặng Phú Vinh (ngụ phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một) vui vẻ kể: “Có cho bạn bè hoặc người quen mượn xe đi đâu mình cũng yên tâm, chỉ cần ngồi một chỗ vào điện thoại di động xem là biết xe mình đang ở điểm nào, di chuyển nhanh hay chậm”. Anh Vinh cho biết từng chứng kiến nhiều người mất xe nhưng vẫn tìm được nhờ gắn định vị. “Hôm trước, tôi có tham gia giúp người ta tìm một chiếc xe máy có gắn định vị bị mất trộm. Kẻ trộm chạy xe qua mấy cánh rừng cao su rồi giấu trong một khu trọ ở huyện Bến Cát nhưng thiết bị định vị vẫn chỉ vị trí chính xác, chiếc xe quay về với chủ” - anh Vinh nói.
Anh Nguyễn Văn Trường (40 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) bị mất chiếc xe Future ở TP Vũng Tàu. Kẻ trộm chạy xe về TP Biên Hòa rồi xóa số khung - số máy, thay biển số giả và mang sang Bình Dương bán cho một người phụ nữ ở phường Bình Nhâm, thị xã Thuận An. “Không chỉ thay biển số, bọn trộm còn làm luôn cà vẹt giả để bán nhưng chúng không ngờ trong xe có thiết bị định vị. Tôi đã nhờ “hiệp sĩ” Bình Dương giúp đỡ và hiện đã được công an trả xe” - anh Trường hồ hởi.
Anh Nguyễn Thanh Hải cho biết cũng nhờ dùng thiết bị định vị mà các “hiệp sĩ” đã bắt được không ít đối tượng “đá xế” chuyên nghiệp, bàn giao công an xử lý.
Thượng tá Hà Văn Thanh - Phó trưởng Phòng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Bình Dương - cho rằng người dân có thể gắn thiết bị bảo vệ xe máy để phòng ngừa nhưng nên nhớ máy móc gì cũng không qua con người. “Gắn rồi mà sơ hở, chủ quan thì chỉ phí tiền vì bây giờ tội phạm ranh mãnh lắm” - ông Thanh cảnh báo.
Chỉ cần nhắn tin là xe tự tắt - nổ máy
Hiện nay, trên thị trường rao bán rất nhiều thiết bị định vị xe máy với giá từ hơn 1 triệu đồng. Một kỹ thuật viên chuyên lắp đặt định vị xe máy cho biết thông thường thiết bị này hoạt động dựa trên 2 loại sóng là sóng vệ tinh GPS (dùng để xác định vị trí) và sóng điện thoại di động (dùng để nhận - gửi tin nhắn hay truyền tín hiệu). “Trong thiết bị định vị xe máy đều có gắn một sim điện thoại di động. Khi phát hiện có người lấy xe, người chủ chỉ cần nhắn một tin theo cú pháp đã soạn gửi đến số sim lắp trong định vị là xe tự động tắt máy. Dù có chìa khóa, kẻ trộm cũng không khởi động máy được. Để nổ máy trở lại, người chủ chỉ cần nhắn một tin khác” - kỹ thuật viên này nói.
Nguồn tin: NLĐ Online