Sự việc cô giáo và các em học sinh ở điểm trường của bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên phải chui trong túi nilon để đến trường vào mùa lũ đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và xót xa.
Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội nói: “Hoàn cảnh đến mức đó thì quá khó khăn. Cô giáo và các em học sinh đến trường trong điều kiện như vậy là quá nguy hiểm”.
GS Thi bày tỏ mong muốn: “Nhà nước thấy hiện tượng gì mà không thể chấp nhận được thì phải ưu tiên quan tâm để giải quyết. Khó khăn thì lĩnh vực nào cũng có, địa phương nào cũng có nhưng những sự việc gì mà không thể chấp nhận được thì phải giải quyết ngay, còn việc gì mà cố được thì giải quyết sau.
GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội
Theo thứ tự ưu tiên, sự việc cô giáo và các em học sinh qua suối bằng túi nilon để đến trường là một sự việc không thể chấp nhận được cần phải giải quyết ngay. Điều kiện đó ảnh hưởng đến tính mạng của cô giáo và học sinh nên cần xử lý ngay”.
Trong một cuộc trao đổi khác, chia sẻ với chúng tôi về sự việc này, bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Tôi cảm thấy địa phương đó như cách xa đất nước này hàng trăm nghìn cây số mà không ai biết. Xa lạ với đất nước này quá”.
“Ở địa phương, ngành giáo dục và địa phương các cấp không biết có ai tới khu đó chưa? Nếu tới thì trách nhiệm của họ đến đâu? Đã kiến nghị tới cấp trên không? Và cấp trên khi nhận được kiến nghị, có cử người xuống khảo sát hay không? Và nếu có cử người xuống khảo sát thì có ý kiến gì để khắc phục chưa hay bặt vô âm tín?
Còn HĐND cấp xã và cấp huyện ứng cử ở địa phương đó thế nào, trách nhiệm của họ ra sao? Chẳng lẽ họ không biết điều gì đang xảy ra ở địa phương hay sao? Người đại biểu của dân như vậy liệu có xa rời quần chúng hay không mà lại để một thực trạng như vậy xảy ra?”, bà Khá nói.
Vị Đại biểu QH này cho rằng: “Trong khi các em học sinh ham học, cô giáo yêu nghề vẫn phải chui trong túi nilon qua suối trong mùa lũ để làm tròn nhiệm vụ của mình thì lãnh đạo địa phương đang ở đâu? Có lẽ lãnh đạo địa phương đó nên cảm thấy xấu hổ trước sự hiếu học của các em học sinh”.
Bà Khá cũng bày tỏ sự lo lắng đối với cuộc sống của người dân nơi đó khi có trường hợp người bệnh nặng cần phải cấp cứu, phụ nữ đau đẻ…
“Việc các đoàn từ thiện giúp đỡ người nghèo là rất đáng trân trọng nhưng trong thời gian tới, các đoàn cũng nên chú ý đến những vùng nông thôn đặc biệt khó khăn như vậy. Và trách nhiệm trong việc này chính là ở lãnh đạo địa phương. Họ phải là cầu nối để đưa các đoàn từ thiện đến với những vùng còn khó khăn trên địa bàn do mình quản lý. Có như vậy, dù đường xá đi lại khó khăn nhưng những người làm từ thiện hẳn cũng sẽ sẵn lòng vượt khó đến những vùng đặc biệt khó khăn để giúp đỡ đồng bào của mình”, bà Nguyễn Thị Khá nói.
Nguồn tin: soha