Ngày 26-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn về giao quyền tự chủ đối với các trường ĐH công lập; dự thảo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường ĐH trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) là ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Ngoại thương và ĐH Hà Nội…
Bỏ trần học phí, nới nguồn thu
Vấn đề tự chủ tài chính của các trường đã hâm nóng cuộc họp với nhiều đề xuất phá rào. GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết trường này đã tự chủ hoàn toàn từ năm 2008 và việc này giúp trường có được trên 1.000 cán bộ giảng dạy có chất lượng, tạo ra một tổng tài sản hơn 1.000 tỉ đồng trong 6 năm và sinh viên ra trường được thị trường lao động chào đón. Ông Danh kiến nghị bỏ quy định trần học phí và đề nghị áp dụng mức thu phù hợp bởi học phí được căn cứ trên các yếu tố thị trường, chất lượng đào tạo và nhu cầu người học.
Cùng quan điểm, các trường ĐH Bách khoa, Ngoại thương; ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM còn đề xuất mở rộng ra nhiều trường mà không dừng ở mức thí điểm.
Bên cạnh vấn đề học phí, nhiều ý kiến cũng đề nghị nới cơ chế sử dụng nguồn thu hợp pháp của các trường để trả lương cho cán bộ, giáo viên cũng như quyết định dự án đầu tư trường lớp.
Ủng hộ sự “cởi trói”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói: “Không nên suy diễn việc vận hành nguyên lý thị trường là thương mại hóa giáo dục. Nhiều khi chúng ta vì thiên kiến nên cứ rụt rè dù biết việc đổi mới là đúng”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 43/2006/NĐ-CP về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng thông thoáng, mở rộng, giao quyền mạnh hơn ở nhiều lĩnh vực. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, việc sửa đổi nghị định này sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập chuyển hẳn sang mô hình quản trị doanh nghiệp.
Mạnh dạn hơn nữa!
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng chất lượng giáo dục ĐH thì việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường là khâu quyết định. Nhìn nhận việc thực hiện chủ trương tự chủ ĐH còn chậm, Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tiến độ để các trường tự chủ về nhiệm vụ đào tạo, tổ chức cán bộ, lương, chi đầu tư...; đồng thời phân cấp mạnh hơn về đầu tư xây dựng cơ bản.
Về thu học phí sẽ thực hiện theo chi phí trung bình tính đủ cho việc đào tạo một sinh viên ĐH công lập, nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp học phí cho đối tượng là sinh viên nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số. Những đối tượng cận nghèo, khó khăn sẽ được cho vay ưu đãi. “Cần mạnh dạn hơn nữa để giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, tạo điều kiện cho các trường phát triển và vươn lên” - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý phải hết sức quan tâm đến công tác quản lý nhà nước; nhất là công tác kiểm tra, giám sát phải công khai, minh bạch. Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến phát biểu để hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm giao quyền tự chủ cho các trường ĐH để đưa ra thảo luận và thông qua trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2014 (ngày 27 đến 28-8).
Kỳ thi 3 chung: Phải được xã hội đồng thuận
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Đổi mới GD-ĐT (Ủy ban), đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban để thảo luận về những nội dung lớn trong đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình, sách giáo khoa (SGK); phương án tổ chức kỳ thi THPT.
Liên quan đến giáo dục phổ thông như số năm học, tổ chức trường chuyên, Thủ tướng cho rằng cần được nghiên cứu tiếp. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải được chuẩn hóa lại từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, CĐ nghề theo hướng liên thông mở, có sự quản lý thống nhất. Hệ thống ĐH phân loại thành ĐH nghiên cứu và ĐH nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương biên soạn chương trình chuẩn, thống nhất, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các phương án biên soạn SGK để báo cáo Quốc hội.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết kỳ thi quốc gia sẽ tổ chức theo hình thức “ba chung”. Công tác tổ chức coi thi, chấm thi được tiến hành theo cụm do các trường ĐH, CĐ chủ trì. Bên cạnh 3 phương án thi đã được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi dư luận thời gian qua, Giám đốc ĐHQG TP HCM Phan Thanh Bình cho rằng có thể xem xét thêm phương án tổ chức kỳ thi với một bài thi tổng hợp để đánh giá trình độ học sinh với đề thi kiểm tra kiến thức, năng lực học sinh từ mức tốt nghiệp THPT đến tuyển sinh vào ĐH giống như phương án của ĐHQG Hà Nội. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, ưu điểm của bài thi tổng hợp là đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh, đồng thời các em có thể thi nhiều lần, hoàn toàn trên máy tính. Kết quả bài thi tổng hợp một nhóm các trường ĐH có thể cùng sử dụng.
Trước các ý kiến trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc tổ chức một kỳ thi được sự đồng thuận xã hội thì phải đáp ứng 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở căn cứ xét tuyển vào ĐH; Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các bên để lựa chọn phương án tối ưu. “Bộ chọn phương án nào thì phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho người dân, xã hội hiểu và ủng hộ” - Thủ tướng yêu cầu.
Nguồn tin: NLĐ Online