Cơm lam – món ăn quen thuộc của người Mạ

Thứ sáu - 12/08/2016 04:17 1.440 0
Từ xưa, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Mạ nói riêng có tập quán du canh du cư, sinh sống trên nương rẫy nên thường tận dụng, sáng tạo những nguyên liệu và dụng cụ thô sơ từ rừng để chế biến thức ăn. Cơm lam cũng xuất phát từ đó.

Gạo được cho vào ống lồ ô, tre, dùng nước ở con suối, vách đá chảy ra nấu thành cơm ngay tại rừng. Cách làm cơm này vô cùng đặc sắc vì gạo được nấu trong ống cây bịt kín, giữ nguyên mùi hương và không mất đi chất dinh dưỡng. Đối với người Mạ trên địa bàn tỉnh ta, cơm lam là món ăn phổ biến và không thể thiếu trong các dịp lễ, hội.

Cơm lam, thịt nướng là sự kết hợp quen thuộc trên mâm cơm của đồng bào Mạ

Để làm được món cơm lam dẻo thơm đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, khéo léo từ các khâu như: chọn gạo, chuẩn bị ống nấu, cách đặt trên than… Gạo nếp cần chọn loại hạt vừa phải, thuôn dài, trắng, thơm được ngâm trong nước vài tiếng (hoặc 1 đêm). Sau đó đem vo sạch sẽ, trộn thêm ít muối rồi mới cho vào ống lồ ô.

Ống lồ ô không được quá non hay quá già, dài khoảng 1m. Lúc đổ gạo vào các ống không được dồn quá chặt. Dùng các loại lá rừng làm nút bịt ở đầu ống lại. Người Mạ vẫn thường dùng lá dứa rừng để bịt đầu ống lồ ô khi nấu, tạo nên mùi thơm đặc biệt cho cơm lam.

Trước khi nấu, lửa than phải được chuẩn bị thật hồng để cơm không cháy khô và chín đều. Ống cơm không được đặt trực tiếp lên than mà một đầu phải gác trên thanh ngang, một đầu chạm mặt đất tạo nên một góc 45o. Ống cơm phải luôn được trở đều tay cho đến khi vỏ nứa khô. Lúc thấy thoảng mùi thơm của nếp bay ra từ đầu ống thì cơm đã chín. Đặc biệt, lúc cơm gần chín thì phải đục lỗ dưới ống lồ ô để tránh bí hơi, nứt ống, cơm sẽ không ngon…

Cơm lam được cắt thành từng khúc dễ ăn và giữ được lớp lụa mỏng màu trắng ngà trong ống lồ ô dính vào những hạt gạo dẻo, nóng hổi, dậy mùi ngọt của hương lá rừng. Chỉ cần mang theo một ít muối vừng, muối ớt, vài đoạn cơm lam (dài chừng 10 - 15cm) trong chiếc gùi là đã có bữa cơm chắc bụng cho người lên rẫy. Điểm nổi bật của cơm lam có thể để được lâu, qua ngày mà không bị ôi thiu.

Đồng bào Mạ nấu cơm lam trong ngày lễ kết nghĩa bon làng

Từ lúc gieo hạt trên nương cho đến khi thu hoạch, làm ra món cơm lam, người Mạ đã xem món ăn này là kết tinh của đất trời, rừng núi, thần linh ban ơn. Đó còn là sự giao hòa theo nguyên lý âm dương ngũ hành. Gạo được nấu trong ống lồ ô, nứa tre (mộc), dùng nước trong ống thấm ra hoặc từ suối, thác (thủy), có lửa để nấu (hỏa), chế biến và nấu trên mặt đất, nơi núi rừng (thổ)…

Với sự sáng tạo của con người, món ăn dân gian này còn mang theo ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Những ngày lễ hội, có thịt nướng nhất thiết phải ăn cùng với cơm lam. Trên mâm cỗ dâng cúng thần linh của người Mạ, màu trắng ngần của hạt cơm cùng màu vàng sậm của thịt nướng là sự kết hợp vô cùng độc đáo. Sẽ rất thú vị khi được nhâm nhi vị nồng cay của rượu cần, thưởng thức cơm lam dẻo ngọt, cảm nhận vị đậm đà béo ngậy của thịt nướng và nghe người Mạ kể chuyện ông cha đến khai hoang, lập bon làng trên mảnh đất đỏ bazan huyền thoại.

Bài, ảnh: Hồ Mai


Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,932
  • Tháng hiện tại63,358
  • Tổng lượt truy cập41,347,558
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây