Theo dự thảo Luật Công an xã đang được Quốc hội xây dựng quy định, Công an xã làm nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện trách nhiệm đối với việc thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp, thi hành biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về hình sự và thi hành án hình sự.
Cụ thể, Công an xã được quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm đối với việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình đối với người dưới 18 tuổi, biện pháp xử lý hành chính và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Dự thảo cũng quy định, công an xã thực hiện các quy định của pháp luật về cư trú, căn cước công dân, giấy tờ đi lại, trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã theo phân cấp và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.
Ngoài ra, Công an xã có nhiệm vụ xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã như: hoạt động của bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc được hưởng án treo;
Lực lượng công an xã sẽ được trao thêm nhiều quyền hạn theo dự thảo Luật Công an xã đang được Quốc hội xây dựng quy định. Ảnh minh họa |
Dự thảo cũng chỉ rõ, Công an xã được tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã và thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội do chính quyền cùng cấp và Công an cấp trên giao theo quy định của pháp luật.
Trước đó, quy định giao cho công an xã được thực hiện một số hoạt động điều tra trong dự thảo luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được đưa ra thảo luận hồi tháng 4/2015 đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Chia sẻ với báo chí, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, công an xã là lực lượng bán chuyên trách, nghiệp vụ hạn chế, nếu cho điều tra sẽ không đảm bảo việc thu thập chứng cứ ban đầu, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, bảo vệ vật chứng, bảo vệ hiện trường.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Viễn, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, cho biết tại cuộc họp mới đây Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cũng đề nghị không nên giao cho lực lượng công an xã điều tra, mà nên để cơ quan điều tra chuyên nghiệp tiến hành.
Tại phiên thảo luận về luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự ngày 19/6/2015, bà Lê Thị Nga đã đề nghị dừng thực hiện những nội dung về thẩm quyền tố tụng hình sự của công an xã.
Hà Nam
Nguồn tin: baodatviet