Công ước quốc tế về luật biển năm 1982: Bản hiến pháp của biển

Thứ ba - 27/05/2014 01:11 863 0
Tận dụng ưu thế kinh tế, khoa học và cả quân sự, nhiều cường quốc mang tham vọng chiếm đoạt những vùng biển lớn. Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 của LHQ ra đời là một sự kiện quan trọng chưa từng thấy trong lịch sử luật pháp quốc tế, là một văn kiện quan trọng bậc nhất chỉ sau Hiến chương của LHQ. Nó thiết lập một trật tự pháp lý cho toàn bộ những hoạt động của con người trên biển cả theo hướng lợi ích chung của cả loài người.


5 hướng hoạt động chủ yếu của con người trên biển

Hàng hải là thể sử dụng truyền thống của đại dương. Thời cổ, biển cả là vùng ngăn cách con người, chỉ có những kẻ táo tợn, khát khao mạo hiểm mới dám vượt qua ''hàng cột Herquyn'' ra ngoài đại dương trên các con thuyền mỏng manh.

Thế mà ngày nay không có một vùng biển nào không bị xáo trộn bởi chân vịt, mái chèo của đủ loại tàu thuyền. Thậm chí tận những tầng sâu thủy phủ cũng bị tàu ngầm, máy lặn khuấy động… Khi Israel phong tỏa kênh đào Suez trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1972, đã khiến hàng trăm triệu người nháo nhác vì thiếu nhiên liệu.

Ngày nay, sự đụng chạm trong quan hệ hàng hải giữa các quốc gia trên phương diện chính trị, kinh tế… là tập hợp những vấn đề phức tạp, gay cấn mà nhiều luật gia, chính khách đau đầu chưa gỡ ra được. Những vấn đề quyền tự do hàng hải truyền thống, chủ quyền của quốc gia biển, kiểm tra, bảo đảm an toàn hàng hải… chứa đựng nhiều nỗi bất đồng, dẫn đến đủ kiểu xung đột.

Sự phát triển của khoa học cũng đặt ra cho con người rất nhiều vấn đề mới về đại dương. Cách đây nửa thế kỷ thôi, con người mới lặn ở sâu vài chục mét. Ngày nay, tàu ngầm của Mỹ đã xuống đến hẻm Mariana, đáy Thái bình Dương, ở độ sâu 11.000m. Các nước phát triển tranh thủ việc không có cơ sở luật quốc tế vững chắc để phớt lờ quyền lợi của nước khác trong khai thác đáy đại dương.

Nhu cầu tiêu thụ hằng năm về cá, thủy phẩm - theo FAO - lên tới 200 triệu tấn. Trên cơ sở những nghiên cứu khoa học đại dương, các phương tiện đánh bắt mới, việc mở rộng vùng, đối tượng khai thác và sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này nhiệm vụ kể trên có thể ở trong tầm tay.

Song cũng cần ghi nhận một khuynh hướng có hại làm cho tình hình còn xa mới đến mức lý tưởng. Việc đánh bắt cá bừa bãi của các quốc gia phát triển có thể làm diệt chủng nhiều loại sinh vật biển. Những cái gọi là “chiến tranh cá thu”, “chiến tranh tôm he” đã gây lộn xộn các mối quan hệ quốc tế.

Hơn trăm năm nay, đại dương đã được con người nghiên cứu có hệ thống. Thế nhưng đại dương là một tổng thể mênh mông, phức tạp, nên phải công nhận rằng còn nhiều chỗ trắng trong công việc này.

Lượng thông tin về đại dương lưu trữ trong các trung tâm tư liệu thế giới ít hơn số các thông tin tương tự về khí quyển cỡ 1.000 lần. Nhiều nước như Nga, Mỹ, Anh… đã tiến hành những nghiên cứu đại dương ở tầm quốc gia. Song không có một nước nào, dù nó hùng mạnh đến đâu, có thể đơn phương thực hiện nghiên cứu đại dương toàn diện.

Ngày xưa đại dương đe dọa chúng ta và bây giờ thì chúng ta đe dọa đại dương. Nhà nhân chủng học Na Uy nổi tiếng Heyerdahl trong khi đi thuyền qua Đại Tây Dương đã phải run người vì sự nhiễm bẩn kinh khủng của biển cả. Nguồn ô nhiễm đại dương chủ yếu là dầu lửa.

Trước cuộc xung đột Iran-Iraq, mỗi ngày có gần 100 tàu dầu qua eo biển Hormuz. Nước dằn từ tàu tiếp dầu đổ ngay xuống vịnh Pécxích. Chỉ riêng bờ biển Arập Xêút mỗi năm người ta ''đánh rơi'' 400.000 tấn dầu. Nếu tính rằng 1 tấn dầu sẽ phủ kín một lớp mỏng 12km2 mặt nước, thì biết mức độ ô nhiễm khủng khiếp thế nào.

Đại dương là tài sản chung của cả nhân loại. Việc sử dụng nó phải hợp lý và công bằng giữa các quốc gia có biển hay không có biển.Và đến khóa họp 24 của Đại hội đồng LHQ, Hội nghị quốc tế lần thứ ba về Luật Biển được triệu tập để đặt lại toàn bộ các vấn đề về Luật Biển.

Đường đi đến Công ước Luật Biển 1982

Đây là hội nghị dài nhất và đại diện nhất về Luật Biển với hơn 160 nước và 70 tổ chức quốc tế tham dự trong 10 năm (1973-1982). Nguyên tắc tiếp nhận của hội nghị là “cả gói” và “nhất trí” (Consensus). Nghĩa là thỏa thuận cuối cùng về một vấn đề còn phụ thuộc vào kết quả điều hòa những vấn đề khác.

Hội nghị này là chiến trường của những cuộc đấu tranh ngoại giao và chính trị phức tạp. Tranh luận sôi nổi trên diễn đàn, vận động ráo riết trong hậu trường, mua chuộc, lôi kéo, dọa dẫm, gây sức ép kinh tế, tạo ápphe chính trị đủ kiểu.

Mặc dù tham vọng của một số nước muốn chiếm những vùng đại dương rộng lớn, Hội nghị luật biển của LHQ cũng đã kết thúc tốt đẹp với một bản công ước mới gồm 17 phần có 320 điều và 9 phụ chương. Công ước chứa những luận điểm chi tiết về các vấn đề quan trọng nhất của Luật Biển như lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa…

Một trong những nguyên tắc nền tảng của lý luận và thực hành luật biển quốc tế là nguyên tắc tự do trên vùng biển mở do Grotius đưa ra vào TK17: Biển mở để ngỏ cho tất cả các dân tộc và không một quốc gia nào được quyền tham vọng biến bất kỳ một phần của nó thành độc quyền của mình.

Điều khẳng định đó một thời đã bị các nước đế quốc lợi dụng triệt để vào chính sách ngoại giao pháo hạm của họ. Với ý định khoanh hẹp lại khu vực tự do hàng hải trong khi còn thiếu sức mạnh trên biển, Trung Quốc và một số nước Nam Mỹ đòi thiết lập vùng lãnh hải 200 hải lý.

Nếu nhìn lại lịch sử mấy trăm năm tồn tại của khái niệm chiều rộng lãnh hải thì trên cơ sở của nó luôn có nguyên tắc: Khả năng của một quốc gia kiểm soát hiệu quả vùng biển của mình. Vào cuối TK 18, luật gia Hà Lan Bynkershock đưa ra luận điểm: “Quyền lực của một quốc gia có biển chấm dứt ở nơi sức mạnh đạn pháo kết thúc!”.

Đó là cơ sở cho quan điểm vùng lãnh hải 3 hải lý, bởi vì tầm xa của pháo thời ấy khoảng 3 dặm biển. Ngày nay, không thể gắn liền chiều rộng lãnh hải với tầm xa của pháo binh vì bây giờ nó vô cùng, nhưng nguyên tắc trên vẫn là bất di bất dịch. Nếu tất cả các nước đều lấy lãnh hải rộng 200 hải lý thì 150 triệu kilômét vuông mặt biển sẽ bị sáp nhập vào nước có biển, vô số eo biển quốc tế sẽ của một nước, nhiều đường hàng hải truyền thống sẽ phải đóng cửa.

Trước bế tắc do những đòi hỏi quá đáng đó, hội nghị đã tìm giải pháp thỏa hiệp. “Nhóm 77” (các nước đang phát triển) đưa ra tư tưởng thiết lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Khác với lãnh hải, nó không nằm trong thành phần lãnh thổ quốc gia, không thuộc chủ quyền quốc gia có biển, nhưng các quốc gia có biển được quyền đặc biệt về những tài nguyên của biển, các hoạt động nhằm thăm dò kinh tế và khai thác trong vùng.

Từ lần đầu được nhắc đến, khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế đã bị các nước phát triển chống đối quyết liệt. Họ đòi phủ nhận “đặc quyền”, chỉ công nhận quyền “ưu tiên” của nước có biển. Tức là họ cũng có những quyền đó, song nước chủ nhà có trước. Tất nhiên, khi không có những điều kiện vật chất, trình độ khoa học, kỹ thuật thì quyền “ưu tiên” của nước có biển cũng chỉ là quyền làm vì mà thôi.

Một yếu tố rất quan trọng của vùng đặc quyền kinh tế là giữ nguyên quyền tự do hàng hải của một biển mở, kể cả quyền đặt dây cáp, đường ống. Nhưng khi sử dụng các tự do ấy, quyền của các nước có biển phải được chú ý thích đáng. Quyền của quốc gia có biển cũng được đề cập rộng rãi trong việc chống ô nhiễm biển.

Quốc gia có biển có thể thiết lập các đạo luật và nguyên tắc để chống những tàu làm nhiễm bẩn biển, miễn là các biện pháp đó phải phù hợp với những tiêu chuẩn và quy chế quốc tế phổ cập. Quốc gia có biển có quyền điều tra những vụ vi phạm của tàu nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của nó và trừng phạt bên phạm lỗi theo luật địa phương.

Nước có biển bị nhiễm bẩn do tàu nước ngoài gây nên có thể yêu cầu mọi quốc gia khác, mà tàu này sẽ cập bến, tiến hành điều tra, sau đó khởi tố theo luật của mình. Thậm chí, quốc gia có biển có thể truy tố các tàu nước ngoài đã làm ô nhiễm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của mình, nếu hành động vi phạm này đe dọa làm bẩn vùng kinh tế của nước trên.

Với sự ra đời của vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải không còn là vấn đề nóng, các nước dễ dàng chấp nhận 12 hải lý là chiều rộng của lãnh hải.

Vấn đề eo biển quốc tế cũng tốn không ít công sức để đi đến thỏa thuận chung. Trung Quốc cho rằng: Eo biển nằm trong lãnh hải phải là một phần không thể tách rời của lãnh hải nước có biển.

Nhà luật học Anh nổi tiếng Oppenheim viết rằng: “Sự kiện biển bị bao bọc trong lãnh thổ chỉ một nước không có ý nghĩa, nếu như giữa biển này và đại dương đã tồn tại một lối dễ qua cho tàu thuyền. Mặc dù chỗ nối biển này là một bộ phận hợp thành lãnh thổ của một hay vài quốc gia!”. Trung Quốc đã không thành công trong việc gán ép quan điểm của mình cho các thành viên hội nghị.

Trong số những vấn đề buốt nhói nhất gây lên bao phen sóng gió trên bàn hội nghị có “Giới hạn ngoài thềm lục địa”. Đây là chú lính mới của Luật Biển, ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thuật ngữ “thềm lục địa” được các luật gia mượn trong địa lý và địa chất học: Nguồn gốc của thềm lục địa là từ đất liền. Và đây là một trong những motif được các quốc gia có biển đưa ra để khẳng định sự cần thiết phải phổ biến chủ quyền của quốc gia trên thềm lục địa.

Theo Công ước Geneva 1958 về thềm lục địa, quốc gia ven biển có chủ quyền đối với thềm lục địa nhằm mục đích thăm dò và khai thác nguồn của cải tự nhiên của nó. Nhưng đồng thời quyền của quốc gia có biển trên thềm lục địa không được động chạm đến quy chế luật pháp của vùng nước bên trên như là một phần biển mở. Thềm lục địa được hiểu là “bề mặt và lòng đáy biển của vùng ngập nước liền bờ, nhưng nằm ngoài vùng lãnh hải, đến độ sâu 200m hoặc vượt quá giới hạn này, đến khu vực mà chiều sâu nước cho phép khai thác nguồn của cải tự nhiên của các vùng đó”.

Rõ ràng, ở đây có sự lỏng lẻo về giới hạn ngoài của thềm lục địa. “Khả năng khai thác” là một tiêu chuẩn mơ hồ, bất định (với sự phát triển như vũ bão của kỹ thuật ngày nay). Nó chẳng cho ta tý khái niệm nào về giới hạn ngoài của thềm lục địa: Cách xa bờ bao nhiêu hay ở độ sâu thế nào?

Do đó, Mỹ và Argentina cho rằng: “Thềm lục địa là sự tiếp tục tự nhiên của lãnh thổ quốc gia” và đòi thiết lập chủ quyền quốc gia đến tận giới hạn ngoài thấp nhất của mép lục địa ngập nước. Lãnh thổ là một phạm trù chính trị - pháp luật được hình thành theo lịch sử. Thật khó mà hình dung được bằng cách nào đó nó lại có thể là sự “tiếp tục tự nhiên” trên cơ sở những đặc điểm kết cấu này khác của đáy đại dương. Điều đó mở ra khả năng truyền bá quyền của quốc gia có biển trên những không gian đại dương rộng lớn. Trước sự phá sản của quan điểm này, Ireland được các quốc gia “thềm lục địa rộng” đưa ra một biến dạng khác: “Giới hạn ngoài thềm lục địa dài ra 60 hải lý về phía biển kể từ chân dốc lục địa, hoặc là theo các điểm có độ dày đá trầm tích không kém hơn 1%”.

Đề nghị này giúp những nước nói trên có thể tùy tiện đẩy giới hạn thềm càng xa ra biển. Đa số nước “khối 77” không ủng hộ đoàn Ireland. Trả đũa, các nước “thềm lục địa rộng” dọa không ký công ước mới nếu hội nghị định thông qua đề nghị của khối Arập: “Giới hạn ngoài thềm lục địa không vượt quá vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” - thể hiện nguyện vọng của những quốc gia “thềm lục địa hẹp”, chiếm đa số trong hội nghị. Cuối cùng giải pháp thỏa hiệp đã được đưa ra: “Đường giới hạn thềm lục địa không được vượt quá 350 hải lý tính từ tuyến xuất phát của lãnh hải hoặc xa hơn đường đẳng sâu 2.500m 100 hải lý”.

Một khía cạnh hóc búa khác của vấn đề thềm lục địa là việc phân định ranh giới thềm lục địa của 2 quốc gia kề nhau, hay nhiều quốc gia đối diện - nguyên nhân của biết bao cuộc tranh giành quốc tế. Một ví dụ là Trung Quốc đe dọa những cố gắng nhằm thăm dò dầu khí của Philippines.

Vì thế, đa số các nước muốn thành lập những cơ quan trọng tài, hoặc các tòa án đặc biệt, để xử những bất đồng này. Song các phán quyết của cơ quan đó không có tính chất bắt buộc đối với mỗi bên hữu quan. Hội nghị cho rằng dùng đường trung bình hoặc đường đẳng cách trong danh nghĩa đường biên giới tạm thời là điều hợp lý. Việc phân chia thềm lục địa biển Bắc là một thực tế sống động chứng minh rằng: Vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, bình đẳng, tôn trọng quyền lợi của nhau.

Không kém căng thẳng việc ”thềm lục địa” là vụ “chế độ đáy biển” với diện tích khoảng 260 triệu kilômét vuông nền và lòng đáy biển ngoài vùng lãnh hải chứa đầy đủ loại khoáng sản đang có nguy cơ bị các quốc gia phát triển chiếm làm độc quyền. Tài nguyên này thuộc sở hữu chung của nhân loại là nguyên tắc được Đại hội đồng LHQ khẳng định. Hội nghị luật biển lần này cố gắng xây dựng một chế độ khai thác đáy đại dương hợp lý và thiết lập một tổ chức có hiệu quả để giám sát và thi hành gọi là “Quyền lực quốc tế”.

Các bên nhất trí với nhau về cấu trúc, hay nói cho đúng hơn, bản chất các cơ quan chính của tổ chức này. Đó là hội nghị toàn thể (Đại hội đồng) gồm tất cả các quốc gia tham gia công ước và một hội đồng có đại diện 36 nước - cơ quan thừa hành,điều khiển toàn bộ công việc thuộc về “quyền lực”.

Đã có quá nhiều mâu thuẫn trong việc xây dựng điều lệ hoạt động, vai trò 2 cơ quan trên. Mỹ đòi quyền hạn của “quyền lực” tập trung vào hội đồng, trong khi các nước đang phát triển muốn Đại hội đồng thâu tóm quyền lực. Họ muốn lấy đa số để chi phối quyền lực quốc tế, còn khối các nước phát triển cố dựng lên những hàng rào hạn chế quyền hành của nó. Mâu thuẫn cũng cọ xát các bên trong chế độ khai thác, mức sản xuất và quỹ tài chính của “quyền lực”. Tuy nhiên, hội nghị cũng đã đạt được mục tiêu loại trừ tham vọng độc quyền đáy biển…

Hội nghị luật biển của LHQ đã kết thúc, các nhà ngoại giao đã xách cặp ra về, nhưng những vấn đề của Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 đang là thực tế sống động hằng ngày hằng giờ, ảnh hưởng đến mỗi hoạt động của từng quốc gia trên biển. Tại lễ ký kết Công ước Luật Biển, đại biểu VN đã “Tố cáo sự chiếm đóng của TQ bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa và đe dọa không giấu giếm xâm chiếm quần đảo Trường Sa, vi phạm Điều 301 của công ước”.

 

 

Các vùng biển của một quốc gia ven biển

 

 

 

 

Nội thủy: Có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như lãnh thổ đất liền.

Lãnh hải: Có chủ quyền hoàn toàn trừ quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài. Ranh giới ngoài lãnh hải là đường biên giới quốc gia trên biển.

Vùng tiếp giáp: Có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát về nhập cư, thuế, vệ sinh dịch tễ.

Thềm lục địa (đáy biển và lòng đất dưới đáy biển): Quyền chủ quyền đối với các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Quyền tài phán đối với các nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển. Tự do lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm.

 

Nguồn tin: Lao động

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại53,409
  • Tổng lượt truy cập41,234,010
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây