Sáng nay 16-11, Trưởng Ban Dân nguyện - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Hiền đã có bản tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII.
Đáng chú ý, ở lĩnh vực Quốc phòng, cử tri các tỉnh, TP: Đồng Tháp, Hà Nam, TP HCM, Quảng Trị, Cà Mau, Hà Nội, Khánh Hòa phản ánh hiện nay, diễn biến tại Biển Đông rất phức tạp, đe dọa chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Cử tri đề nghị tăng cường tiềm lực quốc phòng, tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân; đồng thời cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại quần đảo Trường Sa …
Mạnh mẽ hơn, cử tri tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cho rằng để đối phó với diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong đó có biển đảo, nhà nước phải quan tâm xây dựng, củng cố quốc phòng vững mạnh. Nghiên cứu chủ trương huy động kêu gọi sức mạnh, lòng yêu nước của toàn dân tộc để bảo vệ đất nước. Đồng tình, cử tri Đồng Nai kiến nghị nghiên cứu xem xét có chính sách hỗ trợ đối với lực lượng dự bị động viên là công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.
Đối với lĩnh vực ngoại giao, cử tri nhiều tỉnh tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.
Cử tri nhiều tỉnh đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với Trung Quốc. Đặc biệt cần sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế. “Thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc. Hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủtình hình biển Đông…” - ý kiến cử tri nêu rõ.
Cử tri kiến nghị Bộ Ngoại giao chủ động và phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo dõi, nắm chắc mọi diễn biến tình hình, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, có phương án đấu tranh, phản đối, ngăn chặn kịp thời mọi tình huống phát sinh liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngoài ra, cử tri TP HCM, Tiền Giang lo lắng và đề nghị thông tin kịp thời tình hình ở biên giới Campuchia và Việt Nam và cần hết sức quan tâm, giám sát chặt chẽ để xử lý triệt để vấn đề ở Long An để không để xảy ra tái diễn.
Trong khi đó, theo cử tri Bà Rịa – Vũng Tàu, tình trạng các tàu cá của ngư dân nước ta liên tục bị tàu của nước ngoài tấn công, như vụ tàu cá của tỉnh Kiên Giang bị tàu Thái Lan tấn công làm cho ngư dân không yên tâm bám biển. Cử tri đề nghị Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ ngư dân hơn nữa.
Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Bộ Quốc phòng tổng rà soát, kiểm tra, đánh giá lại việc xây dựng các công trình, cho thuê đất, giao đất tại các vị trí, khu vực có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến an ninh, quốc phòng.
Bản tổng hợp cũng nêu rõ cử tri Tiền Giang đề nghị tăng cường các hoạt động giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật của cơ quan nhà nước; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là việc xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện công tác quản lý nhà nước. Việc tổ chức triển khai và thực thi luật còn nhiều bất cập, có việc chưa đồng bộ, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, như vấn đề quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch như trường hợp Tòa nhà số 8B Lê Trực, Hà Nội; …
Cử tri Ninh Thuận kiến nghị trong thời gian tới cần đưa vào chưong trình kỳ họp những nội dung, vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân để QH thảo luận, giám sát việc thực thi công vụ, trách nhiệm người đứng đầu như việc cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng tại đèo Hải Vân (Thừa Thiên - Huế); chặt cây xanh tại TP Hà Nội; dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai"…
Cần “trả nợ” sớm nhân dân Luật Biểu tình
Cử tri Kiên Giang đề nghị Luật báo chí sửa đổi đang được góp ý cần bổ sung thêm chế tài, xử phạt vi phạm hành chính đối với người không cung cấp thông tin cho báo chí, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp; việc xử lý vi phạm đối với các đối tượng hành hung, xúc phạm nhà báo khi thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý về các tội cố ý gây thương tích, đề nghị sửa đổi Luật báo chí theo hướng tăng nặng hình phạt, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhà báo khi thực hiện nhiệm vụ.
Cử Tri Hải Phòng, TP HCM đề nghị Luật Trưng cầu ý dân sớm được ban hành nhằm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân có thể đóng góp ý kiến về những vấn đề quan trọng của đất nước; quy định rõ vai trò của cử tri, công dân đối với quá trình tổ chức trưng cầu ý dân; quy định cụ thể cơ chế để nhân dân thực hiện giám sát trực tiếp đối với hoạt động trưng cầu ý dân.
Cử tri Đà Nẵng cho rằng: “QH đang còn nợ nhân dân Luật Biểu tình và đề nghị QH quan tâm sớm thông qua luật này trong thời gian tới”.
Còn cử tri An Giang đề nghị QH nghiên cứu ban hành “Luật Bảo vệ nông dân”.
Nguồn tin: NLĐ Online