Cuộc chiến tàu ngầm và âm mưu của Trung Quốc dưới đáy Biển Đông

Thứ ba - 12/07/2016 04:31 835 0
Cuộc đối đầu ở Biển Đông không chỉ nằm ở các hòn đảo nổi Trung Quốc xây phi pháp hay vùng mặt nước tấp nập tàu bè. Trung Quốc âm mưu có thể bí mật dùng tàu ngầm mà đặt nước Mỹ trong tầm ngắm hạt nhân.
Trung Quốc liên tục "loan báo" rằng các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp trên Biển Đông là để "phục vụ" dân sự, bảo rằng xây hải đăng, xây bệnh viện trên Đá Chữ Thập vì "mục tiêu dân sự" ấy. Nhưng ai cũng biết đến mưu đồ quân sự từ hàng loạt cơ sở quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng trên các đảo ấy. Âm mưu của Trung Quốc không chỉ ở trên mặt Biển Đông!
Hãng truyền thông BBC ngày 10.7 đăng bài nhận định rằng sự hạn chế trong khả năng từ đất liền đánh chặn vũ khí hạt nhân, khả năng đánh trả đũa tấn công hạt nhân khiến Trung Quốc đặt một số đầu đạn hạt nhân của nước này lên tàu ngầm.
Cách đây 2 năm, Trung Quốc đã lần đầu tiên triển khai tàu ngầm lớp Tấn mang theo tên lửa đạn đạo JL-2.
Từ một căn cứ ở đảo Hải Nam, nay tàu ngầm lớp Tấn có thể thực hiện các chuyến tuần tra dưới đáy Biển Đông. Nhưng để có thể đưa nước Mỹ vào tầm ngắm, nó phải vào được tới Thái Bình Dương.
Mà để vào được Thái Bình Dương thì nó phải băng được qua Biển Đông mà không bị phát hiện. Lầu Năm Góc từng dự đoán chuyến chạm ngõ Thái Bình Dương đầu tiên của tàu ngầm Trung Quốc sẽ diễn ra ngay trong năm nay.
Cuộc chiến tàu ngầm và âm mưu của Trung Quốc dưới đáy Biển Đông - ảnh 1
Một tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles của MỹHẢI QUÂN MỸ
Phần lớn khu vực Biển Đông khá cạn, chỉ sâu chừng dưới 100 m. Nhưng khu vực liền kề với "đường chín đoạn" mà Trung Quốc tự vẽ ra và tuyên bố chủ quyền phi pháp là vùng biển rất sâu, có nơi tới 4.000 mét, được giới chuyên môn nhận định là chiếc mền trùm kín lý tưởng cho tàu ngầm.
Đó là lý do vì sao một số chuyên gia cho rằng những khu vực sâu của Biển Đông cùng với việc Trung Quốc tìm cách tăng cường đáng kể khả năng chống tàu ngầm ở đó sẽ là "pháo đài dưới biển" cho tàu ngầm Trung Quốc trong tương lai.
Trong những năm qua, cuộc đối đầu dưới Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc đã ồn ào lên đáng kể. Hồi đầu năm 2009, các tàu cá Trung Quốc đã định cắt cáp nối với các thiết bị cảm biến kết nối với tàu do thám USNS Impeccable của Mỹ tại một vị trí cách không xa đảo Hải Nam của Trung Quốc là bao. Đến cuối năm đó, tàu ngầm Trung Quốc đã va vào một hệ thống cảm biến dưới biển kết nối với tàu khu trục Mỹ USS John McCain gần Vịnh Subic, ngoài khơi Philippines.
Mới hồi tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã đưa vào hoạt thêm tàu hộ vệ săn ngầm thế hệ mới lớp Type 056A. Dự kiến nó sẽ trú đóng ở Biển Đông.
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã tuyên bố sẽ đầu tư đến 8 tỉ USD để tăng cường năng lực của đội tàu ngầm hạt nhân Mỹ, bao gồm cả việc triển khai tàu ngầm đến Biển Đông.
Cuộc chiến tàu ngầm và âm mưu của Trung Quốc dưới đáy Biển Đông - ảnh 3
Âm mưu của Trung Quốc không chỉ nằm trên bề mặt Biển Đông. Trong ảnh là các công trình phi pháp Trung Quốc xây trên Đá Gạc Ma của Việt NamTRUNG HIẾU
Nếu như Mỹ và các đồng minh từng lập một mạng lưới dày đặc các thiết bị phát hiện tàu ngầm dưới đáy biển khắp châu Á để tìm cách theo dõi tàu ngầm Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh, ngày nay Trung Quốc cũng tìm cách thiết lập một mạng lưới như thế dưới đáy Biển Đông.
Các hình ảnh chụp từ vệ tinh còn cho thấy các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông có cả một hệ thống cảm biến tối tân được lắp đặt ở đó: các radar, các trạm liên lạc qua vệ tinh...
Tất cả sẽ bổ trợ đáng kể cho năng lực nghe ngóng cả ở trên và dưới đáy Biển Đông cho hải quân Trung Quốc. Hệ thống này sẽ là cơ sở hạ tầng cho các liên lạc với lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, không những giúp tránh những cuộc tấn công mà cả lên kế hoạch tấn công đối phương.

Kiều Oanh

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay2,304
  • Tháng hiện tại20,233
  • Tổng lượt truy cập41,200,834
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây