"Điểm mặt" các khoản nợ
Theo Sở Tài chính thì đến cuối năm 2012, tổng số nợ đọng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh là gần 509 tỷ đồng với 227 công trình nợ đọng.
Cụ thể, nợ vốn đầu tư nguồn cân đối ngân sách địa phương đến cuối năm 2012 là hơn 84 tỷ đồng, trong đó, 9 dự án đang thực hiện nhưng nợ khối lượng; nợ vốn đầu tư nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương có 130 dự án với tổng số tiền còn nợ là gần 202 tỷ đồng; nợ vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ có 59 công trình với số tiền nợ 223 tỷ đồng.
Đường Bắc Nam giai đoạn II đầu tư theo chủ trương ứng vốn thực hiện trước đang trong tình trạng nợ đọng đầu tư do chưa bán được đất để hoàn vốn |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về siết chặt đầu tư công, hạn chế nợ mới phát sinh, trong năm 2013, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư trong việc quyết toán công trình hoàn thành, đẩy nhanh thi công khối lượng, tạm ngưng thực hiện những công trình, dự án chưa cấp thiết để ưu tiên nguồn vốn thanh toán nợ đọng, trong năm 2013, qua phân bổ kế hoạch vốn, toàn tỉnh đã bố trí giải quyết vốn trả nợ được 71 công trình với số tiền hơn 166 tỷ đồng.
Sau khi giải quyết nợ đọng năm 2012 trong kế hoạch vốn năm 2013, tổng số nợ đọng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý còn khoảng 338 tỷ đồng với 185 công trình còn nợ đọng.
Trong đó, nợ vốn ngân sách Nhà nước còn hơn 168 tỷ đồng, nợ vốn trái phiếu Chính phủ còn gần 170 tỷ đồng. Dự kiến phân bổ kế hoạch vốn năm 2014 sẽ giải quyết, bố trí vốn được 41 công trình với số tiền hơn 86 tỷ đồng.
Cũng theo Sở Tài chính, riêng số nợ vốn ngân sách Nhà nước thì dự kiến kế hoạch năm 2014 sẽ cơ bản giải quyết, phần còn lại chủ yếu là nợ các công trình xây dựng cơ bản hoàn thành nhưng chưa quyết toán, chưa bố trí để yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh việc quyết toán. Đối với những dự án này, tỉnh đã bố trí dự phòng chờ quyết toán trên 26 tỷ đồng, để các dự án sau khi phê duyệt quyết toán hoàn thành sẽ đảm bảo đủ để bố trí thanh toán nợ.
Tuy nhiên, đối với phần nợ vốn trái phiếu Chính phủ hiện còn khá lớn với gần 170 tỷ đồng, trong đó nợ các dự án hoàn thành là 53 tỷ đồng, nợ các dự án đang triển khai thực hiện hơn 117 tỷ đồng. Phần nợ này chủ yếu rơi vào các công trình bệnh viện đa khoa tuyến huyện hiện đã hoàn thành phần xây lắp từ các năm trước nhưng do chính sách thắt chặt đầu tư công của Chính phủ nên những năm gần đây, nguồn vốn này bố trí hàng năm để hoàn thành là rất ít, trong khi cân đối nguồn ngân sách địa phương rất khó khăn, chưa thể bố trí được.
Còn lơ là trong quyết toán
Thực tế cho thấy, từ năm 2012 trở về trước, với chính sách đầu tư công chưa thắt chặt, cơ chế tạm ứng vốn khá thoáng (chỉ quy định mức tối thiểu, không hạn chế mức tạm ứng tối đa) nên tình trạng nợ đọng đã tăng khá cao. Đặc biệt, trong những năm 2005 đến 2012, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án để đáp ứng yêu cầu cấp bách của các công trình trong điều kiện tỉnh mới thành lập, tỉnh đã có chủ trương cho nhà đầu tư, đơn vị thi công triển khai trước dự án và hoàn vốn sau khi có nguồn phân bổ.
Khi chính sách đầu tư công thay đổi cộng với biến động lớn về nguyên, vật liệu đầu vào đã dẫn đến rất nhiều công trình, dự án đội vốn đầu tư hơn mức dự toán. Vì thế, quá trình thực hiện đã phát sinh thực trạng nợ khối lượng do tạm ứng nguồn vốn lớn, công trình còn dở dang nhưng không đủ nguồn để tiếp tục đầu tư... Từ đây, nhiều chủ đầu tư, đơn vị thi công lơ là trong khâu quyết toán công trình hoàn thành hoặc công trình hoàn thành nhưng thiếu các thủ tục pháp lý theo quy định để quyết toán dẫn đến nợ đọng cơ bản kéo dài.
Tính từ năm 2005 đến hết tháng 4/2014, toàn tỉnh có 274 dự án đã hoàn thành với số tiền giải ngân gần 985 tỷ đồng bao gồm 66 dự án cấp tỉnh và 208 dự án thuộc cấp huyện, thị xã quản lý.
Cụ thể, trong số các dự án trên có 137 dự án đã hoàn thành nhưng chưa lập báo cáo quyết toán; 27 dự án đã lập báo cáo quyết toán nhưng chưa gửi cơ quan chức năng thẩm tra, phê duyệt và 110 dự án hoàn thành đã lập báo cáo quyết toán, gửi cơ quan chức năng thẩm định phê duyệt nhưng chưa thẩm tra, phê duyệt quyết toán. Tháng 4/2013, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị thi công có công trình hoàn thành gấp rút hoàn thiện hồ sơ để thẩm tra, phê duyệt quyết toán.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà từ đó đến nay, tiến độ này thực hiện rất chậm. Nguyên nhân trước tiên phải kể đến đó là nhiều đơn vị chủ đầu tư chỉ chú ý đến khâu phân bổ kế hoạch và thanh toán vốn mà ít quan tâm đến khâu lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành.
Bên cạnh đó, nhiều dự án hiện nhà thầu và ban quản lý đã giải thể, hồ sơ thất lạc nên rất khó khăn cho chủ đầu tư mới trong việc tiếp nhận, thu thập hồ sơ. Vì thiếu năng lực chuyên môn nên chủ đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư chưa chấp hành nghiêm túc hoặc không thực hiện đúng quy trình thủ tục quản lý đầu tư xây dựng công trình, không xử lý kịp thời các phát sinh, vướng mắc; tăng quy mô, hạng mục ngoài dự toán nên khi quyết toán công trình hoàn thành không đảm bảo quy trình, tính pháp lý theo quy định nên phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần. Chất lượng hồ sơ quyết toán thấp cộng với nhu cầu hồ sơ quyết toán trong giai đoạn này lớn đã tạo nên áp lực cho cơ quan thẩm định, phê duyệt, dẫn đến tiến độ thực hiện rất chậm.
Từ đây cho thấy, nếu các đơn vị, địa phương không bám sát chỉ đạo, tăng cường công tác phối kết hợp và sớm rà soát, đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ quyết toán công trình hoàn thành để chủ động bố trí nguồn trả nợ thì sẽ rất khó đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2015, toàn tỉnh cơ bản xử lý xong nợ đọng xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bài, ảnh: Hà An
Nguồn tin: Báo Đăk Nông